Hiệu quả thiết thực
Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), trong giai đoạn 5 năm từ 2016 - 2020, thực hiện Chương trình khuyến công thành phố, Sở Công Thương đã tổ chức 274 lớp truyền nghề, cấy nghề cho 9.590 lao động nông thôn, kết thúc các khóa đào tạo trên 80% số lao động đã có việc làm. Sở cũng đã tổ chức 72 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng quản lý DN, thiết kế mẫu, xuất nhập khẩu cho 7.200 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý…; hỗ trợ 64 lượt cơ sở CNNT đầu tư đổi mới thiết bị, ứng dụng máy móc tiên tiến, hiện đại vào sản xuất.
![]() |
Đáng chú ý là việc tổ chức thành công 5 hội chợ xuất khẩu chuyên ngành thủ công mỹ nghệ (TCMN), hỗ trợ 1.250 DN, cơ sở sản xuất tham gia…; hỗ trợ hàng trăm DN, cơ sở tham gia hội chợ quốc tế hàng TCMN tại nước ngoài và hội chợ công nghiệp, thương mại trong nước. Sở cũng đã tổ chức các cuộc bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu, thi thiết kế mẫu sản phẩm TCMN cấp thành phố. Các hoạt động này đã góp phần giúp các DN, cơ sở CNNT đổi mới, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, tiếp cận nguồn thông tin mới phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp
Nhằm “tiếp sức” cho các DN, cơ sở CNNT, trong giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội đặt mục tiêu có trên 10.000 lượt DN, cơ sở CNNT được hỗ trợ từ Chương trình khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 50.000 lao động nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng TCMN tăng bình quân 5 - 8%/năm, đạt 550 triệu USD vào năm 2025... Đồng thời, phấn đấu hỗ trợ 100% cơ sở tiêu thụ năng lượng trọng điểm áp dụng hệ thống quản lý năng lượng theo quy định; đạt mức tiết kiệm năng lượng từ 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng; phấn đấu giảm 5 - 8% mức tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu của các ngành sản xuất...
Để đạt được mục tiêu đó, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục, đẩy mạnh truyền nghề gắn với nhu cầu sử dụng lao động tại chỗ từ các cơ sở sản xuất CNNT, ưu tiên các cơ sở sử dụng nhiều lao động; thường xuyên đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động và lực lượng quản lý của cơ sở; nâng cao những kiến thức và kỹ năng tiếp cận và mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất ở các làng nghề, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm; hỗ trợ có chọn lọc DN trong làng nghề để làm đầu tàu phát triển sản xuất…
Ông Đào Hồng Thái - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội: Thông qua hoạt động khuyến công, TP. Hà Nội đã hỗ trợ hơn 7.000 lượt DN, cơ sở sản xuất CNNT, với mức tăng trưởng sản xuất bình quân từ 5 - 15%/năm, tạo việc làm cho gần 50.000 lao động nông thôn. |