Doanh nghiệp có đơn hàng trở lại
Nửa đầu năm 2020, hoạt động XK của các DN bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Đơn cử trong lĩnh vực thủy sản, nhiều DN XK cá tra tại các tỉnh Cà Mau, Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang… đã phải bị đối tác hoãn, hủy hợp đồng giao hàng, kéo doanh thu sụt giảm, hàng tồn kho tăng cao. Ở thời điểm đó, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải kiến nghị Chính phủ có giải pháp gỡ khó cho thủy sản thông qua ưu đãi vốn vay cũng như hỗ trợ DN đầu tư kho lạnh trữ hàng…
![]() |
Xuất khẩu khởi sắc trở lại |
Tuy nhiên, kể từ quý III/2020 trở lại đây tình hình XK của DN trong vùng đã khả quan hơn. Điều này xuất phát từ việc thế giới đã chọn cách “sống chung” với dịch bệnh, dần mở cửa kinh tế, từ đó kéo các đơn hàng của DN khởi sắc trở lại. Cùng đó là sự chủ động ứng phó của DN trong đa dạng hóa thị trường và kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua online.
Bà Nguyễn Thị Ánh - Tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản Ngọc Xuân - chia sẻ, kể từ đầu tháng 7/2020, nhiều đối tác ở thị trường EU đã nối lại đơn hàng XK với công ty. Nhờ đó, mỗi tháng công ty đã XK trên dưới 100 tấn thủy sản vào thị trường này. Bà Ánh cho biết, dù lượng XK chưa nhiều, song đây là tín hiệu tích cực cho thấy nhu cầu của thị trường đã cải thiện hơn.
Tương tự, ông Phạm Thái Bình - Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho hay, cuối tháng 8 vừa qua lô hàng 6 container với khoảng 150 tấn gạo trong tổng khối lượng theo hợp đồng XK 3.000 tấn của Trung An đã được XK sang thị trường EU. Theo hợp đồng đơn hàng xuất gạo thơm lần này là gạo ST20 và Jasmine giao cho 3 khách hàng, trong đó 2 khách hàng tại Đức và 1 khách hàng tại Pháp. Hai chủng loại gạo thơm ST20 (gạo 5% tấm) được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn.
Hay với hàng nông sản, các tháng qua Công ty TNHH Toàn Cầu Trái Cây Tươi (Bến Tre) đã tìm kiếm được khách hàng để cung cấp dừa tươi XK sang Nhật Bản, Australia, Hoa Kỳ và mới nhất là đơn hàng XK trực tiếp dừa khô cho Hà Lan bằng tàu biển.
Việc DN XK khả quan trở lại đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch cho vùng ĐBSCL trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể, báo cáo của ngành Công Thương một số tỉnh như An Giang, Hậu Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ… cho thấy, XK nhiều sản phẩm lúa gạo, thủy sản, nông sản của các tỉnh này đã tăng trở lại từ tháng 7, từ đó kéo kim ngạch XK 8 tháng tăng trưởng dương. Trong đó, tỉnh An Giang đã XK đạt 603,33 triệu USD, tăng 3,54% so cùng kỳ năm trước và đạt 64,87% với kế hoạch năm; tỉnh Sóc Trăng đạt kim ngạch XK 684 triệu USD, tăng 22,19% so với cùng kỳ; hay với Hậu Giang cũng đạt khoảng 367,762 triệu USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ…
![]() |
Ngành Công Thương thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu |
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong các tháng cuối năm
Sở Công Thương các tỉnh vùng ĐBSCL đánh giá, tình hình XK hàng hóa trong những tháng tới sẽ còn rất nhiều khó khăn do dịch bệnh ở các nước trên thế giới chưa được kiểm soát. Do đó, Sở Công Thương các tỉnh khuyến nghị DN chủ động tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường cũng như cải thiện chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của nhà nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ngành Công Thương mỗi tỉnh cũng đều có những hoạt động hỗ trợ cụ thể, nhằm hỗ trợ DN, như: Phối hợp với cơ quan Tham tán ở nước ngoài tìm hiểu thị trường, tuyên truyền, phổ biến thông tin về các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA)…
Điển hình như tỉnh Cà Mau. đầu tháng 9/2020 UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA với trọng tâm là tăng cường phổ biến về EVFTA cho các hiệp hội ngành nghề, hợp tác xã, cộng đồng DN; chú trọng tập huấn, đào tạo cho các cán bộ, công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý nhà nước cũng như các DN về một số lĩnh vực như: Thuế, quy tắc xuất xứ, tiếp cận thị trường EU, đầu tư, dịch vụ, hải quan, phòng vệ thương mại, sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường,... theo cam kết của EVFTA.
Trong khi đó, Sở Công Thương tỉnh An Giang cho biết đang kết nối chặt chẽ với các tham tán, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để tiếp tục theo dõi diễn biến thị trường từng mặt hàng XK và có thông tin kịp thời cho DN. Bên cạnh đó, theo ông Đoàn Minh Triết - Phó giám đốc Sở Công Thương An Giang - đơn vị sẽ rà soát, đánh giá lại kết quả hoạt động XK của các DN thời gian qua, qua đó đánh giá tình hình thị trường để tìm ra khó khăn, vướng mắc, đưa ra những giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ DN XK.
Sở Công Thương các tỉnh ĐBSCL khẳng định, thường xuyên cập nhật tình hình XK các mặt hàng chủ lực như: Lúa gạo, nông-thủy sản, để từ đó khuyến cáo và có biện pháp hỗ trợ DN XK. |