Cơ hội cho TMĐT tăng tốc
Việt Nam là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng TMĐT nhanh nhất thế giới với tốc độ 35% mỗi năm, thậm chí gấp 2,5 lần so với Nhật Bản. Google và Temasek nhận định, doanh thu TMĐT Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực và dự báo sẽ đạt mức 15 tỷ USD vào năm 2025. Người tiêu dùng Việt đã chi tiêu nhiều hơn khi mua sắm online, ước tính mỗi ngày có tới 1,5 triệu đơn hàng được xử lý.
![]() |
Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2020 của Bộ Công Thương cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến ít nhất một lần trong năm năm 2019 là 77% tăng 7% so với năm 2018, người dùng Internet chủ yếu sửa dụng thiết bị di động (90%) để đặt mua hàng trực tuyến với nhiều loại mặt hàng hóa khác nhau. Số lượng hàng hóa/dịch vụ mua sắm trực tuyến trung bình của mỗi cá nhân nhiều nhất giao động khoảng 5-9 số tiền cá nhân bỏ ra để mua sắm trực tuyến khoảng 3-5 triệu trong 01 năm.
Bên cạnh đó, việc tham gia một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, điển hình như CPTPP, EVFTA và RCEP (vừa kết thúc đàm phán) có thể sẽ mang lại một cú huých lớn cho sự phát triển của TMĐT Việt Nam trong thời gian tới. Các cam kết về TMĐT trong Hiệp định CPTPP được đánh giá ở mức khá cao so với các hiệp định khác.
Cụ thể, Chương TMĐT trong CPTPP tập trung và 3 nhóm nội dung chính gồm: (i) Nhóm các cam kết liên quan tới chính sách đối với TMĐT: Nhóm này bao gồm một số các cam kết cụ thể về chính sách của Nhà nước đối với các hoạt động TMĐT, trong đó đáng chú ý có cam kết không đánh thuế xuất nhập khẩu đối với việc truyền dẫn điện tử; cam kết không phân biệt đối xử giữa các sản phẩm kỹ thuật số tương tự nhau và cam kết thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký số và tôn trọng quyền tự do thỏa thuận phương thức ký số.
(ii) Nhóm các cam kết liên quan tới bảo vệ người tiêu dùng: Nhóm này bao gồm cam kết ban hành pháp luật về 02 mảng vấn đề: Pháp luật để bảo vệ người tiêu dùng trên môi trường mạng trước các hành vi gian lận, lừa đảo trong TMĐT; Pháp luật để bảo vệ thông tin cá nhân của người dùng trong TMĐT. Đặc biệt, TPP yêu cầu các nước phải có quy định pháp luật để xử lý tin quảng cáo rác như buộc chủ thể phát tin nhắn phải cho phép người nhận hủy việc nhận, yêu cầu chỉ được phát tin nhắn nếu đã được người nhận đồng ý,...
(iii) Nhóm các cam kết về tôn trọng tự do của các chủ thể tham gia TMĐT: Đây là nhóm cam kết không trực tiếp gắn với hoạt động TMĐT nhưng tạo tiền đề cho hoạt động TMĐT. Nhóm này bao gồm nhiều cam kết đối với Việt Nam là mới như quy định về hệ thống máy chủ, mã nguồn mở, trao đổi dữ liệu xuyên biên giới thông qua các phương tiện điện tử.
Với mong muốn thiết lập một khuôn khổ pháp lý cho thương mại số ở châu Á - Thái Bình Dương phục vụ cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng, CPTPP đã đưa một số quy tắc đáng chú ý. Chương TMĐT trong CPTPP bao gồm yếu tố mới, phản ánh sự phát triển của công nghệ và các quan tâm về thương mại số trong những năm gần đây. Trong khi đó, các cam kết về TMĐT trong Hiệp định EVFTA lại hướng đến thúc đẩy hợp tác. Hai bên công nhận lợi ích và đóng góp của TMĐT đối với tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh hiện nay.
Đề xuất đối với doanh nghiệp để tận dụng các FTA trong lĩnh vực TMĐT
Đứng trước làn sóng đầu tư do CPTPP, EVFTA mang lại, doanh nghiệp (DN) TMĐT trong nước không có cách nào khác là phải tăng cường nâng cao năng lực để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài. DN cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
CPTPP chắc chắn sẽ mang lại cơ hội cho DN nào chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh do quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mang lại thông qua việc xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn nhằm thúc đẩy dòng chảy của hàng hóa vào các thị trường đối tác tiềm năng nêu trên. DN cần chú trọng việc xây dựng danh tiếng và sự tín nhiệm cho thương hiệu. Đây là điều tiên quyết để tăng khả năng cạnh tranh của DN. Đồng thời, tạo dựng, phát triển hệ sinh thái TMĐT để thúc đẩy kinh doanh TMĐT, từ nền tảng công nghệ, hệ thống thanh toán điện tử cho đến giao nhận hàng.
Khi các vấn đề chính của TMĐT được giải quyết, từ khâu đặt hàng thuận tiện qua website và ứng dụng TMĐT, các giải pháp thanh toán trực tuyến, đảm bảo an toàn, phương án giao hàng nhanh, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, cho đến phương án giải quyết tranh chấp nhanh chóng,… thì người tiêu dùng sẽ tin tưởng, tích cực tham gia mua sắm trên môi trường mạng.
DN cần đẩy mạnh khâu tiếp thị và bán hàng trực tuyến,theo sát những xu hướng TMĐT mới nhất để giữ vững lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Ví dụ, DN có thể tìm hiểu, áp dụng giải pháp bán hàng đa kênh (Omnichannel) để tiếp cận khách hàng dễ hơn, nhiều hơn. Bên cạnh đó, DN cần chú trọng khai thác các công nghệ hiện đại phục vụ cho hoạt động kinh doanh như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo AI, thực tế ảo AR, Internet vạn vật IoT để sáng tạo các mô hình kinh doanh văn minh, hiện đại.
DN cần đẩy mạnh ứng dụng TMĐT trong hoạt động xuất khẩu xuất khẩu, đặc biệt với những mặt hàng Việt Nam đang có thế mạnh hoặc có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.
TMĐT là kênh xuất khẩu trực tuyến đem đến cơ hội thành công cao vì đây là kênh bán hàng không có giới hạn về địa lý với lượng khách hàng khổng lồ và mức chi phí thấp. DN cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác tiềm năng để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Chủ động tìm hiểu về CPTPP và EVFTA
Đứng trước những cơ hội lớn do CPTPP và EVFTA mở ra, DN TMĐT cần năng động hơn và nắm rõ các nguyên tắc kinh doanh của mô hình mới này nhằm tận dụng, khai thác tối đa các lợi ích do CPTPP và EVFTA mang lại.
Các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về các hiệp định để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm. DN cần có cái nhìn bao quát đối với hiệp định, không chỉ tìm hiểu thông tin về lĩnh vực trực tiếp liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình như Chương TMĐT mà còn cần tìm hiểu về các lĩnh vực liên quan về đầu tư, viễn thông,…
Để cập nhật những thông tin này, DN có thể tham khảo các văn kiện tiếng Anh và bản dịch tiếng Việt của Hiệp định CPTPP, EVFTA đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử chính thức của Chính phủ và các Bộ, ngành; tích cực tham gia những cuộc hội thảo, tọa đàm do cơ quan nhà nước và các đơn vị khác tổ chức liên quan tới các FTA thế hệ mới. Sau khi nắm được nội dung cam kết tại các hiệp định, doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh hoạt động kinh doanh thích hợp để có thể tận dụng các cơ hội, đồng thời giảm thiểu các thách thức từ các hiệp định.