Theo Sở Công Thương Bình Phước, diện tích trồng cây điều của tỉnh chiếm 50% tổng diện tích trồng điều của cả nước với tổng sản lượng đạt 152,6 ngàn tấn/năm. Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến, trong đó có khoảng 20 doanh nghiệp ngành chế biến sản phẩm nhân điều ăn liền chủ yếu là rang muối với sản lượng khoảng 4.360 tấn/năm. Kim ngạch xuất khẩu hạt điều nhân của Bình Phước năm 2019 là 98.300 tấn nhân/năm, trị giá 765 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu điều thổ khoảng 495.000 tấn, giá trị 855 triệu USD.
![]() |
Khuyến công giúp nâng cao năng suất ngành điều Bình Phước |
Với những ưu thế vượt trội về sản lượng cũng như chất lượng, điều đã trở thành cây công nghiệp thế mạnh và là mặt hàng xuất khẩu chính của địa phương. Tuy nhiên, các cơ sở chế biến điều phân bố không đồng đều, phần lớn là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, kinh doanh hộ gia đình. Do đó, công tác quản lý được đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế nên chưa ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tập trung chủ yếu ở khâu chế biến thô, ít đầu tư vào khâu chế biến sâu nên lợi nhuận chưa cao. Ngoài ra, các vấn đề về đăng ký thương hiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP… chưa được doanh nghiệp chú trọng.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) chế biến điều và thực hiện có hiệu quả đề án phát triển bền vững ngành điều Bình Phước, tỉnh đã giành hỗ trợ không nhỏ cho việc phát triển ngành điều tại địa phương. Trong đó, tỉnh đã triển khai Đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển chế biến hạt điều giai đoạn 2018 - 2020”, với tổng nguồn kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 7,15 tỷ đồng. Từ đó, công tác hỗ trợ tập trung vào xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến, nâng cao năng lực quản lý, phát triển sản phẩm, đào tạo lao động... Đặc biệt, tỉnh hỗ trợ các cơ sở chế biến hạt điều thành phẩm với quy mô còn nhỏ đẩy mạnh phát triển sản xuất, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo chỗ đứng trên thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới.
Để phát triển ngành điều bền vững, thời gian tới, tỉnh Bình Phước tiếp tục thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động sản xuất chế biến hạt điều, tăng nguồn hỗ trợ kinh phí khuyến công, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đào tạo công nhân lành nghề, nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu kỹ thuật công nghệ mới và đa dạng hóa sản phẩm từ hạt điều phục vụ nhu cầu của từng thị trường. Đồng thời, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tổ chức “kết nối cung - cầu giữa đơn vị sản xuất với hệ thống phân phối” đẩy mạnh phát triển tiêu thụ nội địa.