Đoàn kết, bản lĩnh vượt qua sóng gió thời cuộc
Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, bất ổn và khó lường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 một lần nữa khẳng định tinh thần đoàn kết và bản lĩnh ASEAN, cũng như cam kết mạnh mẽ của tất cả các nước thành viên trong việc xây dựng thành công cộng đồng.
Điều này thể hiện rõ qua việc hợp tác trên ba trụ cột vẫn được triển khai tích cực, đúng tiến độ và việc thông qua Đánh giá giữa kỳ triển khai các Kế hoạch tổng thể Cộng đồng ASEAN 2025, ra Tuyên bố Hà Nội về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025, hay tiến hành rà soát triển khai Hiến chương ASEAN, gắn kết phát triển tiểu vùng với tiến trình phát triển chung của ASEAN và triển khai các sáng kiến nâng cao hình ảnh, bản sắc ASEAN trong khu vực.
![]() |
Đặc biệt, trong nỗ lực ứng phó chung với đại dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Khung phục hồi tổng thể của ASEAN cùng kế hoạch triển khai, Tuyên bố ASEAN về Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, Khung chiến lược ASEAN về các tình huống y tế công cộng khẩn cấp. Hay chính thức công bố lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực và thúc đẩy vận hành Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19 để hỗ trợ hiệu quả các nhu cầu chống dịch của khu vực, và nhất trí kế hoạch lập Trung tâm khu vực ASEAN về ứng phó dịch bệnh và các tình huống y tế khẩn cấp. Trong đó, Việt Nam đóng góp 100.000 USD vào Quỹ ứng phó Covid-19 và cam kết đóng góp thiết bị vật tư y tế vào Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, với giá trị 5 triệu USD.
Đây chính là những kết quả hợp tác thiết thực, có ý nghĩa nâng cao năng lực chung ứng phó các tình huống y tế khẩn cấp và nguy cơ dịch bệnh trong tương lai. Đồng thời giúp người dân lấy lại niềm tin, tăng cường tính cạnh tranh, khôi phục chuỗi cung ứng và dịch vụ bị gián đoạn, từng bước phục hồi bền vững trong trung hạn và dài hạn.
Thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, ASEAN cần tập trung nguồn lực và nỗ lực ở mức cao nhất để từng bước đẩy lùi nguy cơ dịch Covid-19, sớm có vaccine phòng bệnh cũng như phương thức điều trị hữu hiệu, nâng cao năng lực y tế dự phòng để đáp ứng tốt nhất với các tình huống y tế khẩn cấp, bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Song song với đó cần đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh, việc làm và sinh kế cho người dân. Các Hội đồng Cộng đồng ASEAN khẩn trương bắt tay thực hiện Khung phục hồi tổng thể của ASEAN và Kế hoạch triển khai ngay sau Hội nghị này.
Đặc biệt, ASEAN cần xác lập vị trí trong sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế-chính trị giữa các quốc gia cũng như những điều chỉnh của chuỗi sản xuất-cung ứng toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh sẵn có của ASEAN cần được bổ sung thêm các giá trị của khoa học - công nghệ tiên tiến, năng lực chuyển đổi số, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như khả năng đa dạng hóa các thị trường đầu vào và đầu ra.
Những ưu tiên của ASEAN mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại Hội nghị lần này sẽ giúp ASEAN tiếp tục chủ động và thích ứng như chủ đề của Năm ASEAN 2020. Đó cũng là phương cách để ASEAN đoàn kết và tự cường vững vàng vượt lên các thách thức.
Cộng đồng kinh tế ASEAN hướng tới loại bỏ rào cản phi thuế quan
Một trong những kết quả quan trọng trong chuỗi hội nghị cấp cao lần này chính là các nước ASEAN đã tiến thêm một bước khi ký kết Biên bản ghi nhớ xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với một danh mục hàng hóa thiết yếu cụ thể. Biên bản này được thông qua và ký kết tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng kinh tế ASEAN lần thứ 19 (AECC-19). Đây là một biện pháp cụ thể nhằm thực hiện Kế hoạch hành động Hà Nội về tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch bệnh. Việc kịp thời thông qua các sáng kiến này thể hiện sự chủ động của Việt Nam và các nước ASEAN trong việc giảm thiểu tác động của dịch Covid-19, theo đúng tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng” của Năm ASEAN 2020.
Ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – chia sẻ, Biên bản ghi nhớ này không những giải quyết vấn đề trong ngắn hạn mà còn đặt ra một khuôn khổ mới để ASEAN có thể đẩy mạnh áp dụng với quy mô rộng hơn trong thời gian tới. Do thời gian ngắn nên các Bộ trưởng đã thống nhất trước mắt tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu nhất. Danh mục đó gồm trên 150 dòng thuế, bao gồm các mặt hàng dược phẩm, trang thiết bị y tế.
“Tuy nhiên, danh mục sẽ không hạn chế mà sẽ tiếp tục bàn bạc mở rộng thêm bao gồm cả lương thực, thực phẩm. Đây là những mặt hàng có ý nghĩa rất quan trọng đối với các nước ASEAN trong quá trình chống chọi với dịch bệnh”- ông Lương Hoàng Thái cho biết thêm.
Cũng tại Hội nghị AECC-19, các Bộ trưởng cho biết, 7/13 sáng kiến ưu tiên trong trụ cột kinh tế do Việt Nam đề xuất trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 đã hoàn thành. Hiện thương mại hàng hóa tiếp tục được lưu thông và đây là cơ sở để thúc đẩy hơn nữa kinh tế nội khối, hướng tới hoàn thành kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đến năm 2025.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao có liên quan, các nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố kỷ niệm 15 năm tiến trình Cấp cao Đông Á, Tuyên bố về tăng cường hợp tác ASEAN+3 trong nâng cao năng lực tự cường kinh tế tài chính trước các thách thức đang nổi lên. Đặc biệt, ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực. Đây là thông điệp khẳng định quyết tâm mạnh mẽ về tự do hóa thương mại và liên kết của ASEAN và các đối tác. |