Thành công toàn diện
Năm 2020 là một năm nhiều thách thức với tất cả người dân đang sống trên toàn cầu, tuy nhiên, với tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”, ASEAN đã mạnh mẽ vượt qua thách thức, thực hiện thành công các mục tiêu ưu tiên hợp tác đã đề ra, ngày càng trở nên đoàn kết, gắn kết, với khả năng tự cường và thích ứng cao hơn. Tại Hội nghị tổng kết năm Việt Nam Chủ tịch ASEAN 2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, thành công toàn diện, vang dội của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 là đỉnh cao thắng lợi của đường lối đối ngoại đa phương của Đảng, tiếp thêm sinh khí mới để Việt Nam tự tin và chủ động tiếp tục tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại lễ ký kết trực tuyến Hiệp định RCEP |
Thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 phải kể đến là chất lượng nội dung, số lượng kỷ lục các văn kiện được thông qua. Đặc biệt, trong năm nay rất nhiều cái “đầu tiên” đã được sáng tạo để hoàn thành mục tiêu đề ra: Số lượng các hội nghị tăng lên để kịp thời ứng phó Covid-19, Hội nghị cấp cao ASEAN lần đầu tiên đã họp ba lần trong năm thay vì hai lần theo thông lệ, nhiều Hội nghị cấp cao, Hội nghị cấp Bộ trưởng lần đầu được tổ chức trực tuyến. Đặc biệt, nhiều văn kiện quan trọng của ASEAN cũng được ký kết trực tuyến lần đầu tiên. Nhiều sáng kiến, ưu tiên của Việt Nam đã trở thành tài sản chung của ASEAN và phương thức tổ chức các hội nghị do Việt Nam khởi xướng cũng trở thành gợi ý tốt cho các nước tham khảo, đồng thời hình ảnh Cộng đồng ASEAN và Việt Nam hòa bình, ổn định, phát triển được quảng bá rộng rãi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việc chủ trì tổ chức suôn sẻ hàng loạt hội nghị quan trọng theo hình thức trực tuyến đã cho thấy kết quả thành công trong quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam, là minh chứng cho năng lực và khả năng sẵn sàng của Việt Nam trong thời đại kỷ nguyên số.”
Đặc biệt, với sự dẫn dắt của “thuyền trưởng” Việt Nam, ASEAN đã mạnh mẽ vượt qua khó khăn của đại dịch, thực hiện thành công các mục tiêu hợp tác đề ra cho năm 2020. Trong đó, công cuộc xây dựng Cộng đồng tiếp tục được đẩy mạnh và đạt nhiều tiến triển cụ thể, điển hình là việc ký kết thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP); hợp tác an sinh, xã hội tiếp tục được bảo đảm, quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Không chỉ thể hiện vai trò, năng lực dẫn dắt, Việt Nam còn được cộng đồng quốc tế đánh giá là tấm gương, hình mẫu trong phục hồi kinh tế, xuất khẩu trong đại dịch Covid-19. Điều đó chứng tỏ năng lực thực tiễn của Việt Nam, làm tăng thêm vị thế, uy tín, vai trò của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN. “Gắn kết và chủ động thích ứng” là “thương hiệu Việt Nam”, không chỉ phù hợp với năm 2020 mà trở thành phương châm chỉ đạo của ASEAN trong nhiều năm tới.
Với những kết quả đó, Việt Nam xứng đáng với đánh giá của bà Caitlin Wiesen - Giám đốc Quốc gia Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và cũng là đánh giá của nhiều chuyên gia khác: Việt Nam đã thực hiện rất tuyệt vời vai trò Chủ tịch ASEAN.
![]() |
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chụp ảnh cùng các đại biểu |
Dấu ấn từ “trái ngọt” RCEP
Riêng trong trụ cột kinh tế, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành tốt “sứ mệnh” điều phối các hoạt động trong trụ cột kinh tế của ASEAN 2020. Đặc biệt là thành quả của việc ký kết Hiệp định RCEP ngày 15/11/2020.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chia sẻ, để đi đến “trái ngọt” RCEP, Việt Nam trải qua nhiều khó khăn. Đó là giai đoạn gần đây, xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nước khiến cho tất cả các cuộc đàm phán Hiệp định thương mại tự do đều gặp phải các vấn đề nhất định. Đồng thời, bối cảnh địa chính trị trong khu vực cũng có nhiều thay đổi, trong đó nổi bật là việc định hình lại quan hệ địa chính trị trong khu vực và giữa các nước lớn chưa diễn ra xong. Do vậy, đàm phán RCEP từ đầu năm cũng còn vướng mắc và khả năng ký kết còn bỏ ngỏ. Chưa kể, dịch Covid-19 kéo dài đã làm đảo lộn lịch đàm phán trong RCEP, khiến các nước khó khăn hơn trong việc đưa thêm cam kết trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tuy nhiên, với vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 kiêm nhiệm Chủ tọa đàm phán Hiệp định RCEP, Việt Nam đã nỗ lực và chủ động thuyết phục sự đồng thuận trong ASEAN, tìm các giải pháp xử lý vướng mắc của Ấn Độ, thuyết phục Ấn Độ quay lại đàm phán Hiệp định RCEP, đồng thời thúc đẩy kết thúc hoàn toàn đàm phán và rà soát pháp lý giữa 15 nước còn lại, nhằm thực hiện mục tiêu ký kết Hiệp định trong năm 2020 theo chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo các nước RCEP.
Trên cơ sở đồng thuận của các nước ASEAN, Việt Nam cũng đưa việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP thành một trong những ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020. Như vậy, sau 8 năm đàm phán, ASEAN và các nước đối tác đã hoàn thành thắng lợi việc đàm phán Hiệp định RCEP với khối lượng công việc đồ sộ, mở ra một giai đoạn hợp tác kinh tế thương mại mới, đầy hứa hẹn tốt đẹp. Khuôn khổ hợp tác mới của Hiệp định RCEP sẽ góp phần đẩy mạnh tiến trình xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025. Từ đó, ASEAN sẽ trở thành đối tác năng động, mạnh mẽ, hợp tác vì sự thịnh vượng chung.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Với thành công của Năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam không chỉ là một thành viên tích cực, luôn nghiêm túc thực thi các thỏa thuận đã cam kết, mà đã trở thành một chỗ dựa vững chắc, tin cậy, đặc biệt trong những thời khắc ASEAN phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, như đại dịch Covid-19. |