Tiếp tục tái cơ cấu và tận dụng công nghệ
Hội nghị toàn thể chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) là diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao được tổ chức thường niên giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) với cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, tập đoàn doanh nghiệp và đối tác để cùng trao đổi, chia sẻ những định hướng chính sách, các ưu tiên của hai bên nhằm đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường điều phối các nguồn lực thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững và bao trùm. Chia sẻ tại Hội nghị toàn thể ISG năm 2020 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam chủ động đặt mục tiêu phấn đấu thực hiện “mục tiêu kép” do Chính phủ đề ra, vừa tập trung nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống dịch, vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế. Đến nay, Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19. Các cán cân kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, tăng trưởng GDP đạt 2,12% trong 9 tháng đầu năm, phấn đấu mục tiêu đạt 2,5 - 3% trong cả năm.
![]() |
Dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2021 và nhiều năm tiếp theo, làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra sản phẩm nông - lâm - thủy sản, làm gia tăng yêu cầu và lùi thời hạn đàm phán, ký kết những biện pháp thúc đẩy mở cửa thị trường giữa Việt Nam và các nước cũng như gia tăng các biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ, tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT phấn đấu thực hiện mục tiêu kép do Chính phủ đề ra, vừa tập trung nỗ lực triển khai các biện pháp phòng chống đại dịch Covid-19, vừa đạt mục tiêu phát triển kinh tế. Nông nghiệp Việt Nam tiếp tục tái cơ cấu, tận dụng công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0; đồng thời, thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, các hiệp định thương mại tự do để kết nối tốt hơn với đầu cuối của xuất khẩu; nâng tầm trong chuỗi cung ứng, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nông sản Việt.
Đánh giá cao sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế và các nhà tài trợ đối với ngành NN&PTNT, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho hay, đây là cơ hội để chúng ta tiếp nhận thêm nguồn lực, công nghệ mới như: Nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số để làm nền tảng phát triển nông nghiệp theo chiều sâu và tái cơ cấu nông nghiệp hiệu quả. Đồng thời, nâng cao năng lực nguồn nhân lực trong ngành nông nghiệp để hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Bộ NN&PTNT cùng các đối tác quốc tế, nhà tài trợ đã có Tuyên bố chung với 18 điểm. Sau hội nghị này, Bộ sẽ làm việc với từng đối tác để cụ thể hóa thành các dự án, chương trình phát triển nông nghiệp thời gian tới.
Tăng cường khả năng chống chịu cho nông dân
Thay mặt các đối tác quốc tế và các nhà tài trợ, bà Caitlin Wiesen - Trưởng Đại diện Thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam - đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong ngăn chặn đại dịch Covid-19 cũng như những kết quả ngành nông nghiệp đạt được đã góp phần quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Mặc dù, Việt Nam đã rất thành công trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, nhưng qua khảo sát của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, có tới khoảng 70% người dân bị giảm thu nhập do dịch. Điều này cho thấy, Việt Nam cần tăng cường khả năng chống chịu cho nông dân.
Đại dịch Covid-19 có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong những năm tới làm đứt gãy một số chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông lâm thủy sản, làm gia tăng yêu cầu và lùi thời hạn đàm phán và ký kết các biện pháp thúc đẩy mở cửa thị trường giữa Việt Nam và các nước cũng như gia tăng các biện pháp bảo hộ thị trường phi thuế quan do lo ngại bùng nổ và tái phát dịch bệnh gắn với chất lượng hàng hóa, dịch vụ và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam đang phối hợp với Bộ NN&PTNT chuyển giao những chương trình giảm rủi ro do thiên tai gây ra cũng như tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, mở rộng các phương án lựa chọn cho nông dân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, có thể biến nguy thành cơ nếu ứng dụng linh hoạt các giải pháp để giảm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với ngành nông nghiệp Việt Nam. “Phải tăng cường khả năng chống chịu cho nông dân, chúng tôi sẽ tạo điều kiện để giúp nông dân và doanh nghiệp giảm rủi ro bằng cách xây dựng hệ thống hỗ trợ về bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác. Về khả năng ứng phó thiên tai và biến đổi khí hậu, chúng tôi đã xây dựng các chương trình trồng rừng ngập mặn ở ven biển và đồng bằng sông Cửu Long” - bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Tại Hội nghị toàn thể ISG 2020, Bộ NN&PTNT cùng các đối tác quốc tế thông qua Tuyên bố chung về “Hợp tác phát triển nông nghiệp và nông thôn Việt Nam trong bối cảnh đại dịch Covid-19”. Tuyên bố chung là thể hiện sự cam kết cao của hợp tác giữa Bộ NN&PTNT hợp tác với các đối tác phát triển cùng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam bền vững, góp phần thực hiện tốt nhất mục tiêu kép của Chính phủ. |