Dệt may sôi động đơn hàng xuất khẩu

17:14 | 16/04/2021 In bài biết
Ở thời điểm hiện đại, nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã có đơn hàng đến hết quý III/2021, thậm chí là hết năm đã dự báo mở ra triển vọng tốt cho tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2021.

Theo phân tích của ông Cao Hữu Hiếu- Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sau thời kỳ kinh tế toàn cầu khá ảm đạm và bị ảnh hưởng nặng nề do Covid-19, thị trường dệt may toàn cầu có sự hồi phục bởi các gói hỗ trợ về kinh tế và các thông tin tích cực về vaccine. Do đó, nhu cầu các mặt hàng nói chung và may mặc nói riêng đã phần nào hồi phục trở lại. Việc chuyển dịch đơn hàng từ các nước cạnh tranh với Việt Nam và đặc biệt từ Myanmar cũng giúp cho Việt Nam đón nhận một lượng đơn hàng đột biến ngay từ quý I/2021 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phạm Văn Việt- Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cũng đồng tình: Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn các đối thủ cạnh tranh như Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Myanmar... nên được các nhà mua hàng ưu tiên lựa chọn. Các hiệp định thương mại tự do với những thị trường lớn đã ký cũng mở rộng đầu ra cho doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam. Bản thân Công ty TNHH Việt Thắng Jeans cũng đã có đơn hàng đến tháng 6.

Dệt may sôi động đơn hàng xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm 2021

Dù đơn hàng về khả quan giúp doanh nghiệp trong nước khôi phục dần sản xuất sau một năm tăng trưởng âm bởi đại dịch. Tuy nhiên, theo ông Lê Tiến Trường- Chủ tịch HĐQT Vinatex, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với xu thế giảm giá ngặt nghèo, đặc biệt ngặt nghèo hơn cho những đơn vị kinh doanh mảng dệt và may.

Kể từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2021 giá sợi tăng tới 25% khiến doanh nghiệp làm dệt gần như khó làm nổi, do giá vải chưa tăng, hoặc tăng không đáng kể. Bên cạnh đó, cho dù tình hình thị trường không bị đóng băng như năm 2020 nhưng nếu doanh nghiệp không quản trị tốt, để xảy ra dịch bệnh trong nhà máy, buộc phải đóng cửa, không sản xuất được, sẽ bị thiệt hại rất nhiều.

Một vấn đề nữa, qua đại dịch, xu thế tiêu dùng may mặc của thế giới đã thay đổi rất nhiều. Trong năm 2020, các mặt hàng veston giảm 70%, sơ-mi giảm hơn 30%, quần âu giảm 45%. Trong năm 2021, các mặt hàng kể trên có sự phục hồi nhất định so với năm 2020 nhưng vẫn còn ở mức thấp so với năng lực sản xuất của ngành may Việt Nam đã đạt được. Trong khi đó, đây lại là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Việc tăng trưởng sản xuất các mặt hàng thế mạnh này trong năm 2021 vẫn chưa rõ ràng bởi còn phụ thuộc rất nhiều vào cách thức đi lại, làm việc có trở về như trước khi có đại dịch hay không. Nếu thế giới vẫn duy trì cách thức làm việc từ nhà thì các mặt hàng đó vẫn không thể phục hồi như cũ được. Ông Lê Tiến Trường khẳng định, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường sẽ tiêu thụ chủ yếu các mặt hàng cơ bản, giá tương đối rẻ. Hiện các nhà máy may của Việt Nam vẫn chạy đầy tải các mặt hàng dệt kim, hàng quần áo cơ bản.

Với những thuận lợi và thách thức đan xen, để tiếp tục ổn định sản xuất, hướng tới mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, lãnh đạo Vinatex cho rằng, doanh nghiệp chấp nhận vừa phải tìm khách hàng mới, vừa phải lao vào cuộc cạnh tranh về giá rất khốc liệt. Ngoài ra, khi thị trường xuất khẩu gặp khó khăn cũng là dịp các doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá lại thị trường nội địa – một thị trường rất tiềm năng mà trong suốt thời gian qua các doanh nghiệp trong nước đã “lãng quên” hay đầu tư chưa xứng với tiềm năng. Các doanh nghiệp chủ động đầu tư vào các khâu thiết kế, marketing, lựa chọn nguyên liệu…để phát triển những thương hiệu mới cho phù hợp với xu hướng tiêu dùng nội địa hiện nay.

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, quý I/2021, dệt may Việt Nam xuất khẩu 8,848 tỷ USD, nhập khẩu 5,110 tỷ USD, giá trị gia tăng đạt được 51,7%.
Việt Nga

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/det-may-soi-dong-don-hang-xuat-khau-186089.html