Dấu hiệu nhận biết đa cấp biến tướng
Không chỉ tăng trưởng mạnh về doanh thu, ngành BHĐC còn gia tăng mức đóng góp thuế vào ngân sách nhà nước với tốc độ tăng bình quân gần 30%. Mức hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác do các doanh nghiệp chi trả cho người tham gia BHĐC tại Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 cũng tăng mạnh. Theo tính toán, tỷ lệ hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế trong giai đoạn này chiếm trung bình khoảng 34% tổng doanh thu BHĐC của toàn thị trường.
Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp hoạt động chính thống, còn có rất nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức kinh doanh này để thu hút đầu tư, hoạt động bất hợp pháp như hoạt động của hệ thống: Gold Time Coffee, dự án “OWIFI”, My Aladin…; các mô hình đầu tư tài chính, ngoại hối như Lion Group, Liber Forex...
Tại Tọa đàm “Toàn cảnh ngành BHĐC tại Việt Nam” do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo điện tử VTC News tổ chức tại Hà Nội vào ngày 19/4, các diễn giả đã chỉ ra những dấu hiệu giúp người tham gia BHĐC và người tiêu dùng nhận biết các hình thức BHĐC biến tướng.
![]() |
Tại Tọa đàm “Toàn cảnh ngành BHĐC tại Việt Nam” do Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) phối hợp với Báo điện tử VTC News tổ chức |
Theo bà Trương Thị Nhi Chủ tịch Hiệp hội BHĐC Việt Nam, hiện nay tình trạng biến tướng mô hình bất chính, tiềm ẩn hành vi có tính chất lừa đảo núp bóng loại hình kinh doanh theo phương thức đa cấp đang diễn biến rất phức tạp. Các đối tượng với nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, đã lôi kéo được nhiều thành phần, nhất là các bạn trẻ gia nhập vào mạng lưới đa cấp phi pháp.
“Những vụ việc này không chỉ gây mất an toàn trật tự xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín của ngành kinh doanh đa cấp được pháp luật điều chỉnh và bảo vệ tại Việt Nam cũng như trên thế giới” - bà Nhi nói.
Nhấn mạnh những dấu hiệu của đa cấp biến tướng, ông Trịnh Anh Tuấn Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (CT&BVNTD) khuyến cáo người tiêu dùng cần xác định được 4 biểu hiện chính: Không có giấy chứng nhận kinh doanh BHĐC; Sử dụng mô hình BHĐC để huy động vốn, tiền ảo; Không có hàng hóa hoặc hàng hóa chỉ là công cụ để lôi kéo người tham gia; Nói quá thông tin về cơ hội làm giàu, khởi nghiệp để dụ dỗ người khác tham gia.
Phân tích thêm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) đưa ra những dấu hiệu để nhận biết thủ đoạn núp bóng kinh doanh đa cấp để lừa đảo gồm: Công ty đó yêu cầu người tham gia phải đặt cọc, ký quỹ hoặc mua một số lượng sản phẩm nhất định hay phải trả tiền để được tham gia vào mạng lưới kinh doanh đa cấp. Đồng thời, không cam kết mua lại hàng hóa trong thời gian luật định và không mua lại với số tiền tối thiểu là bằng 90% giá sản phẩm ở thời điểm bán. Hay, người tham gia mạng lưới không phải hưởng lợi ích từ việc bán sản phẩm mà là từ việc lôi kéo người khác tham gia vào mạng lưới. Lợi nhuận không phát sinh từ hoạt động bán hàng mà là từ tuyển dụng người tham gia.
Mặt khác, công ty khuyến khích, hoặc đào tạo người tham gia tuyển người khác vào mạng lưới và hứa trả hoa hồng khi tuyển được người. Hay, cung cấp hàng hóa tuy nhiên hàng hóa đó chất lượng kém hoặc không có giá trị sử dụng để bán cho người tiêu dùng. “Người trong công ty bán hàng đa cấp hướng dẫn bạn cách vay tiền để mua sản phẩm hoặc vay tiền để đóng phí tham gia mạng lưới. Công ty bán hàng đa cấp buộc và hối thúc người tham gia mua hàng để bán dù biết hàng hóa đó khó tiêu thụ, không thể bán ra thị trường để thu hồi vốn…” - ông Long khuyến cáo.
Tránh "tiền mất tật mang" trước kinh doanh đa cấp biến tướng
Đưa ra những giải pháp giúp người tiêu dùng tránh "tiền mất tật mang" trước kinh doanh đa cấp biến tướng bà Trương Thị Nhi khuyến cáo, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận biết và cảnh giác với những doanh nghiệp không đáng tin cậy do thông tin về những doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính được đăng tải một cách công khai. Thông tin về các doanh nghiệp hội viên hoạt động hợp pháp được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Cục CT&BVNTD, trên app IMLM, trên website Hiệp hội BHĐC Việt Nam [email protected].
Ông Trịnh Anh Tuấn cũng khuyến nghị rằng, người tham gia BHĐC cần trả lời 3 câu hỏi lớn trước khi muốn tham gia một doanh nghiệp: Doanh nghiệp mình tham gia có phải hoạt động BHĐC hay không? Doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận chưa? Doanh nghiệp có biểu hiện hoạt BHĐC bất chính hay không?
![]() |
Đối với doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, bà Trương Thị Nhi thì khuyến cáo: Các doanh nghiệp kinh doanh đa cấp chân chính cần chủ động công tác tuyên truyền và phối hợp với hiệp hội để tuyên truyền cho người tham gia và người tiêu dùng phân biệt rõ các quy định pháp luật và các mô hình biểu hiện bất chính. Xây dựng kế hoạch phân phối và đào tạo người tham gia một cách chuyên nghiệp và có biện pháp triển khai giám sát một cách chặt chẽ.
Có sự đầu tư xây dựng hệ thống cảnh báo để kịp thời thông tin và phát hiện các trường hợp sai phạm, các cá nhân bất tuân gây ảnh hưởng đến bản chất và giá trị của ngành BHĐC. Từ đó kiến nghị và phối hợp với cơ quan chức năng xem xét xử lý đảm bảo hành lamg pháp lý minh bạch, nghiêm túc. Bà Nhi cho biết Hiệp hội BHĐC Việt Nam sẽ tăng cường các hoạt động nhằm đảm bảo sự tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động.
Ông Ngô Trí Long cũng khuyến cáo người tham gia cần tìm hiểu về doanh nghiệp đa cấp trước khi tham gia trên các tiêu chí: Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động; doanh nghiệp đã từng có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện hoặc bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt chưa; tìm hiểu thông tin về lịch sử hình thành và hoạt động đa cấp của doanh nghiệp.
Người tham gia cần lưu ý phương thức bán hàng. Mọi loại hình dịch vụ hoặc các hình thức kinh doanh khác như hợp tác đầu tư, huy động vốn... không được tiến hành kinh doanh theo phương thức đa cấp (trừ những trường hợp sẽ được pháp luật quy định rõ). Người tham gia cũng có quyền yêu cầu doanh nghiệp cung cấp tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc, chỉ tiêu chất lượng của hàng hóa.
Người tham gia BHĐC cần tìm hiểu kỹ chương trình trả thưởng, hoa hồng của doanh nghiệp. Hoa hồng lợi ích người tham gia chỉ có được khi bán hàng hóa, không phải từ việc lôi kéo dụ dỗ người khác tham gia vào mạng lưới đa cấp. Theo quy định, tổng trị giá hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác trả cho người tham gia BHĐC trong một năm quy đổi thành tiền không được vượt quá 40% doanh thu trong năm của doanh nghiệp BHĐC.
“Người tham gia BHĐC có quyền chấm dứt hợp đồng với thông báo bằng văn bản cho doanh nghiệp trước thời hạn tối thiểu là 10 ngày làm việc. Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi chấm dứt hợp đồng, doanh nghiệp BHĐC có trách nhiệm thanh toán cho người tham gia tiền hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác” - ông Long nói.