Đáp ứng tình hình mới
PGS. TS Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) - khẳng định, với sự vào cuộc đồng bộ cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cơ quan chức năng, sự quan tâm của người dân, công tác bảo đảm ATTP trên cả nước có chuyển biến tích cực. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể, hạn chế dàn trải. Từ trung ương đến địa phương có sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những vụ vi phạm.
Đáng chú ý, công tác bảo đảm ATTP đã bước sang giai đoạn mới, trên cả nước phát triển mạnh nhiều mô hình, phương thức sản xuất, nuôi trồng nông sản, thực phẩm sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, nông sản hữu cơ, an toàn theo chuỗi… DN đầu tư vào nuôi trồng, chế biến, sản xuất nông sản, thực phẩm ở quy mô công nghiệp được quy chuẩn hóa. Nhiều nông sản, thực phẩm tiêu thụ trong nước có chất lượng, độ an toàn như hàng xuất khẩu.
![]() |
Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai theo hướng tập trung vào những vụ việc cụ thể |
Đối với công tác quản lý nhà nước, tính đến cuối năm 2020, Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành 55 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; xây dựng, chuyển Bộ Khoa học và Công nghệ công bố được 51 TCVN, với quan điểm chuyển dịch toàn bộ mức giới hạn các chất ô nhiễm trong thực phẩm của quốc tế áp dụng ở Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tổ chức triển khai nội dung đề án chương trình về sản xuất nông nghiệp sạch hữu cơ, phát triển chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn.
Trong bối cảnh tiêu dùng mới, vấn đề kiểm soát các mặt hàng nông sản nhập khẩu qua biên giới, thực phẩm “online” cũng được cơ quan chức năng Bộ Công Thương thực hiện tốt vai trò quản lý sàn giao dịch thương mại điện tử trong mua bán hàng hóa nói chung và thực phẩm nói riêng.
Tăng cường kiểm soát
Theo chuyên gia, kết quả này là sự phối hợp tích cực giữa ba bên: ngành Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, việc phân cấp mạnh cho địa phương cũng đã giúp công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ATTP có chuyển biến tích cực.
Dẫn chứng hiệu quả sự phối hợp 3 bên này, ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết: Trong năm 2020 và quý I/2021, việc xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của nước ta không bị giảm mà còn gia tăng. Năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu đạt mức kỷ lục 41,25 tỷ đồng, tăng so với năm 2019. Trong khi rất nhiều nước bị đình trệ về nguồn thực phẩm thì nước ta vẫn đảm bảo nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Về vai trò của địa phương, chuyên gia phân tích: Trong Nghị định 15 đã phân cấp mạnh cho địa phương như quản lý thức ăn đường phố, các bếp ăn; ngành nông nghiệp, Công Thương cũng được phân cấp mạnh cho địa phương, kể cả liên quan đến phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các biện pháp để khắc phục ngộ độc thực phẩm. Sự phân cấp mạnh cho địa phương đã tạo sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời.
Dù đã có chuyển biến tích cực trong quản lý ATTP, song thực tế, số vụ vi phạm trong lĩnh vực này thời gian qua còn lớn. Năm 2020, lực lượng quản lý thị trường Bộ Công Thương đã thanh tra, kiểm tra hơn 12.000 cơ sở, xử lý hơn 7.000 vụ việc liên quan đến vi phạm về ATTP.
Vì vậy, Bộ Công Thương đã có kế hoạch và chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường đảm bảo người tiêu dùng được sử dụng các sản phẩm không có nguy cơ cao về mất ATTP. Bên cạnh đó, một số địa phương tiếp tục triển khai mô hình thí điểm Ban quản lý ATTP, lực lượng thanh tra chuyên ngành ATTP, thực hiện các chuyên đề kiểm tra giám sát dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nâng cao ý thức tự quản lý ATTP bếp ăn tập thể tại trường học, khu công nghiệp, bữa ăn có tập trung đông người, mô hình cảnh báo nhanh về ATTP, nhận diện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn.