Khó có thể thống kê được số lượng bài báo, hình ảnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông về ngày trọng đại 30/4/1975 - Ngày thống nhất và những năm tháng từ đó đến nay và cả sau này. Hình ảnh những trận đánh đã đi vào lịch sử như: Đường 9 Nam Lào, Cồn Tiên, Dốc Miếu, thành cổ Quảng Trị... vốn đã trở nên quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam. Trong đó, ấn tượng hơn cả là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 kết thúc bằng thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử được truyền tải qua hàng ngàn bức ảnh, ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng của lịch sử dân tộc. Đó là hình ảnh Quân giải phóng bao vây đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, xe tăng thần tốc tiến về cửa ngõ Sài Gòn, húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập, lá cờ Tổ quốc cắm trên cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn vào 11 giờ 30 ngày 30/4/1975... Những hình ảnh đó, công chúng thấy được sự khẩn trương, táo bạo, ý chí quyết tâm của quân và dân ta trong những ngày tổng tiến công; đó chính là niềm vui đất nước giải phóng, thống nhất, đoàn tụ đã được thể hiện trọn vẹn, tái hiện sinh động một thời kỳ gian khó mà hào hùng của đất nước.
![]() |
Đoàn xe tăng lao qua cổng chính, tiến vào sân Dinh Độc Lập sáng 30/4 |
Mỗi bức ảnh đã tái hiện lại những điều mà không ngôn từ nào có thể tả hết và đằng sau ấy chất chứa những câu chuyện thú vị về một thời bom rơi đạn nổ... Nhà nhiếp ảnh Chu Chí Thành - nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, phóng viên chiến trường thời kỳ đó chia sẻ, khi ấy, đất nước bị chia cắt hai miền Bắc và Nam, mặc dù ở miền Bắc nhưng được nghe anh em miền Nam kể lại, thấy họ chịu gian khổ, thiếu thốn hơn ngoài Bắc. Khi đi chiến dịch, họ cũng hành quân theo bộ đội, cũng đối mặt với nguy hiểm ngoài chiến trường. Còn điểm chung của phóng viên mặt trận là máy ảnh, phim, đều lạc hậu, không tự động như bây giờ. Máy ảnh ngày xưa chỉ chụp được từng kiểu một, tương đối chậm chạp, không có đủ ống kính các loại, phim chụp có độ nhạy sáng trung bình, nếu gặp hôm mây mù thì ảnh tối, còn trong phòng thiếu sáng thì không thể chụp được... nên có được một bức ảnh rất khó khăn.
![]() |
Các chiến sĩ quân giải phóng đang chạy vào Dinh Độc Lập cắm cờ cách mạng |
Khó khăn là vậy, nhưng những phóng viên ảnh thời kỳ đó vẫn lăn xả vào chiến trường hiểm nguy, ghi lại những bức ảnh để đời. Theo sát bước chân thần tốc, táo bạo của bộ đội giải phóng, với vũ khí là chiếc máy ảnh trong tay, họ đã ghi lại những hình ảnh có một không hai về thời kỳ cả nước ra trận, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, cho đến khi đất nước trọn niềm vui thống nhất. Nhờ vậy, những khoảnh khắc hoảnh khắc quan trọng và ý nghĩa, như lễ trao cờ Quyết chiến, Quyết thắng do Sư đoàn 304 trao cho Trung đoàn 66, đơn vị xung kích trong Chiến dịch Hồ Chí Minh; bức ảnh từng đoàn xe tăng địch án ngữ giữa đường cùng những thùng phuy đổ đầy đất mong cản bước tiến quân ta, hay bức ảnh các chiến sĩ Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 truy kích địch trong sân bay Tân Sơn Nhất... của nhà nhiếp ảnh Đinh Quang Thành; hay những tấm hình chụp lại giây phút hào hùng khi Lữ đoàn xe tăng 203 theo xa lộ, vượt cầu Sài Gòn tiến vào dinh Độc Lập.
![]() |
Cùng với cả nước, Sài Gòn ngợp cờ hoa, biểu ngữ ăn mừng chiến thắng |
Thời điểm đó, do hoàn cảnh khó khăn, phóng viên tác nghiệp không thể rửa phim ngay lập tức, dù các bức ảnh thể hiện những tin tức vô cùng nóng hổi, hàng triệu người chờ mong, nhưng phải mấy ngày sau, các ảnh đó được in trên tất cả mặt báo ở Trung ương và Hà Nội...
Những bức ảnh vô giá đó cùng với những tư liệu khác đã góp phần dựng nên bức tranh hoành tráng về cuộc chiến tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Nhắc lại những bức ảnh vô cùng quen thuộc, lớp lớp thế hệ người dân Việt Nam vẫn luôn cho rằng, hình ảnh về mùa Xuân đại thắng năm 1975 sống mãi với lịch sử dân tộc Việt Nam. Các thế hệ có thể qua nhiều phương tiện để hình dung lại giai đoạn hào hùng, gian khổ, hy sinh của dân tộc ta, nhưng không có phương tiện nào sinh động, truyền cảm hơn nhiếp ảnh thực hiện trong những ngày đó. Di sản văn hóa này của đất nước vẫn được lưu giữ khá tốt, cần được số hóa để lưu giữ lâu dài, quảng bá rộng rãi.
![]() |
Người dân Sài Gòn đổ ra đường vui mừng chiến thắng với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày thống nhất |
Nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam nhận định, có thể nói, lần đầu tiên trong lịch sử đất nước ta, những công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, được tạc vào tượng đài lịch sử dân tộc Việt Nam bằng nhiếp ảnh. Những bức hình này trở thành tài liệu, vật chứng của lịch sử, góp phần bảo vệ sự thật, giá trị lịch sử của dân tộc.
Mặc dù 46 năm đã đi qua nhưng cảm xúc của mỗi cú bấm máy hôm đó, dường như đã được tác giả giữ lại vẹn nguyên trên từng góc phố hôm nay. Để những khoảnh khắc 30/4/1975 đã trở thành một phần ký ức không thể nào quên suốt cuộc đời, nhớ về hôm qua để càng thêm trân trọng và gìn giữ những giá trị của hòa bình hôm nay.