Hỗ trợ tối đa doanh nghiệp
Tỉnh Bắc Giang xác định rõ, những năm tới tập trung phát triển công nghiệp chủ lực, coi đây là trụ cột, động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, tỉnh sẽ rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch nhằm đảm bảo phù hợp quy hoạch khu, cụm công nghiệp; ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí chế tạo, công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm; tiếp tục duy trì phát triển các sản phẩm đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành như điện tử, máy vi tính, may trang phục...; tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, liên kết để kéo dài chuỗi giá trị, phát triển công nghiệp hỗ trợ cho các tập đoàn lớn của thế giới.
![]() |
Công nghiệp cơ khí chế tạo là một trong những lĩnh vực được Bắc Giang ưu tiên phát triển |
Để thực hiện mục tiêu, ngành công thương của tỉnh cùng các ngành, địa phương tập trung hỗ trợ thực hiện dự án hạ tầng kho bãi trung tâm logistics quốc tế thành phố Bắc Giang và dự án Nhà máy nhiệt điện An Khánh - Bắc Giang. Đồng thời, thực hiện rà soát, điều chỉnh các cụm công nghiệp trên địa bàn. Cùng đó, tăng cường thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến để cung cấp đầu vào cho các cơ sở sản xuất công nghiệp trong nước. Thực hiện hiệu quả các đề án khuyến công, chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử..., hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về vốn và thị trường, mở rộng sản xuất kinh doanh.
Mở rộng khu công nghiệp để đón làn sóng đầu tư
Hiện nay Bắc Giang có 6 khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt với tổng diện tích 1.322 ha, trong đó có 5 KCN đã đi vào hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 90%.
Ông Đào Xuân Cường - Trưởng Ban Quản lý dự án các KCN tỉnh Bắc Giang - cho biết, sự hình thành các KCN đã đưa công nghiệp của tỉnh bứt phá, tạo tiền đề cho thương mại, dịch vụ và đô thị phát triển.
Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp bình quân giai đoạn 2011 – 2020 của tỉnh Bắc Giang đạt 29,5%/năm. Quy mô giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt trên 222.400 tỷ đồng, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chi phối 98,4%, còn lại là ngành công nghiệp khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, cung cấp nước, xử lý rác thải.
Tính riêng doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2020 của của các doanh nghiệp trong KCN toàn tỉnh đạt hơn 215 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 39 nghìn tỷ đồng so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 9,6 tỷ USD, nhập khẩu đạt 7,8 tỷ USD.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh xác định lấy công nghiệp là động lực chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để làm được điều này, tỉnh đặc biệt quan tâm xây dựng, phát triển mở rộng các KCN trong những năm tới.
Lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, giai đoạn 2021-2030, tỉnh quy hoạch thêm 23 KCN với tổng diện tích hơn 6.800 ha và mở rộng 3 KCN với tổng diện tích 400 ha; giai đoạn 2030-2050 quy hoạch thêm 6 KCN, tổng diện tích 1.474 ha.
Định hướng phát triển ngành công nghiệp trọng tâm của tỉnh là lựa chọn một số ngành công nghiệp nền tảng để ưu tiên phát triển, trên cơ sở các nguyên tắc: Dựa trên kết quả phân tích khách quan về tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương; là ngành có khả năng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; sử dụng tiết kiệm đất, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; có khả năng tạo giá trị gia tăng cao và đóng góp lớn cho xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước. Tiếp tục phát triển công nghiệp dệt may, da giày, may mặc nhưng ưu tiên các khâu tạo giá trị gia tăng cao gắn với các quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa…
Từ nay đến năm 2030, phát triển các ngành công nghiệp nói chung và công nghiệp hỗ trợ của Bắc Giang nói riêng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên: Công nghiệp cơ khí chế tạo; công nghiệp điện tử; công nghiệp chế biến nông - lâm sản, thực phẩm; công nghiệp dệt may, da giày; công nghiệp khác. |