Thiết lập kỷ lục mới
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), 6 tháng đầu năm cả nước có 67.083 DN thành lập mới, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là số DN thành lập mới cao nhất giai đoạn 6 tháng đầu năm từ trước đến nay, vượt qua mốc 66.958 DN của 6 tháng đầu năm 2019. Tổng số vốn đăng ký của DN thành lập mới trong 6 tháng đầu năm là 942.648 tỷ đồng, tăng 34,3%so với cùng kỳ năm 2020. Đây cũng là số vốn đăng ký cao nhất từ trước đến nay trong giai đoạn 6 tháng đầu năm.
![]() |
Trung bình mỗi tháng cả nước có 15.538 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường |
“Sự gia tăng mạnh về số lượng DN đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký trong 6 tháng đầu năm đã thể hiện nỗ lực và tinh thần khởi nghiệp của cộng đồng DN trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp” – Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nhận định.
Đáng chú ý, tại một số địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề từ các đợt dịch Covid-19 bùng phát lần này vẫn có sự gia tăng về số lượng DN gia nhập thị trường so với cùng kỳ năm ngoái, như: Bắc Giang, tăng 11,82%; TP. Hồ Chí Minh, tăng 5,34%; Bắc Ninh, tăng 1,06%.
6 tháng đầu năm 2021, cả nước có 13/17 ngành có số lượng DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, những lĩnh vực có số DN đăng ký thành lập mới tăng mạnh là kinh doanh bất động sản, tăng 44,8%; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội, tăng 22,6%; giáo dục và đào tạo, tăng 21,9%; vận tải khó bãi, tăng 21,1%...
Ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ
Bên cạnh số lượng DN gia nhập thị trường tăng mạnh thì số DN rút lui khỏi thị trường trong 6 tháng đầu năm 2021 cũng tăng mạnh với 70.209 DN, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, có 35.607 DN tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1%; DN chờ làm thủ tục giải thể là 24.660 DN, tăng 25,7% và DN giải thể là 9.942 DN, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá, DN rút lui khỏi thị trường 6 tháng đầu năm 2021 tăng mạnh so với cùng kỳ 2020 cho thấy cộng dồng DN vẫn gặp rất nhiều khó khăn do chịu tác động từ dịch bệnh, nhất là các DN nhỏ và vừa.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho rằng: Đa số DN rút lui khỏi thị trường là DN thành lập mới dưới 5 năm và DN có quy mô vốn nhỏ, tập trung ở những lĩnh vực thương mại, dịch vụ, là những đối tượng DN liên tiếp chịu tác động từ những đợt dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đến nay.
Cụ thể, DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 6 tháng tập trung chủ yếu ở DN có quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng với 32.251 DN, chiếm 90,6% tổng số DN tạm ngừng kinh doanh; DN chờ làm thủ tục giải thể có quy mô vốn từ 0-10 tỷ đồng có 22.224 DN, chiếm 90,1% tổng số DN; DN đã giải thể trong 6 tháng đầu năm có thời gian hoạt động từ 0-5 năm là 6.418 DN, chiếm 64,6% tổng số DN giải thể. Qua đó cho thấy, DN càng nhỏ thì khó khăn lại càng lớn.
DN đã kiệt quệ sau gần 2 năm chống chọi với dịch bệnh, song cơ hội tiếp cận với các chính sách hỗ trợ thì lại rất hạn chế. Theo đó, để tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là các DN nhỏ và vừa, các chuyên gia kinh tế cho rằng, bên cạnh giảm các điều kiện tiếp cận với các gói hỗ trợ thì Chính phủ cần có chính sách riêng, nhằm hỗ trợ khu vực DN nhỏ và vừa vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Cục Quản lý đăng ký kinh doanh: 6 tháng đầu năm 2021, trung bình mỗi tháng Việt Nam có 15.538 DN gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây được đánh giá là tín hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. |