Giá cước tăng cao
Hàng hoá của Việt Nam đa phần được vẫn chuyển theo đường biển với những lợi thế do khối lượng vận chuyển nhiều, giá rẻ và kết nối toàn cầu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu container rỗng đẩy giá cước vận chuyển đường biển lên cao đã diễn ra từ cuối năm 2020 và kéo dài đến đầu năm nay gây không ít khó khăn cho hoạt động xuất khẩu. Tình trạng này được dự báo sẽ kéo dài đến cuối năm 2021 và lập đỉnh vào quý 4. Chi phí tăng cao đang khiến cho nhiều mặt hàng chủ lực mất dần sức cạnh tranh, thậm chí là mất thị trường như hồ tiêu, thuỷ sản, gỗ…
Theo thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam, thị trường vận tải biển trong nước đang phải chịu 3 đợt tăng giá cước từ cuối năm 2020 đến nay. Cụ thể, từ tháng 10/2020 xuất hiện tình trạng thiếu hụt container rỗng, giai đoạn tháng 12/2020 đến đầu tháng 2/2021 là đỉnh điểm khan hiếm container rỗng khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa phục vụ các dịp lễ Tết tăng cao, trong khi lượng container bị ùn ứ lại các cảng lớn ở Mỹ và châu Âu do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tình trạng này khiến giá cước container tăng một cách phi mã từ 600-800 USD/container lên mức 7.000-8.000 USD/container (thời điểm cuối tháng 3, sự cố tàu Ever Given mắc cạn trên kênh đào Suez), thậm chí có thời điểm giá cước lên tới 10.000 USD/container.
![]() |
Dịch Covid-19 tác động khiến chi phí vận chuyển container tăng cao |
Các DN xuất khẩu cho biết, giá cước vận chuyển tăng chóng mặt khiến chi phí logistics vốn đã chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản phẩm nay càng đội lên cao. Trong khi nền kinh tế toàn cầu đều bị thiệt hại nặng nề do dịch Covid-19, cước vận chuyển quá cao khiến giá cả hàng hóa khi đến tay người tiêu dùng trở nên đắt đỏ và tiêu thụ chậm hơn. Ngay cả khi DN đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục hoãn chuyến gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu. Vì vậy, nếu không có giải pháp giảm chi phí vận chuyển thì nhà nhập khẩu cũng sẽ giảm số lượng, điều này ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Tăng cường liên kết hiệp hội, ngành hàng
Với một ngành hàng xuất khẩu hơn 4 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thuỷ sản đang “điêu đứng” trước việc tăng giá cước vận tải biển. Một DN xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ cho hay, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản hiện nay như “cá nằm trên thớt”. Trong khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, cung - cầu vận tải biển vẫn chưa thể cân đối, các DN xuất khẩu vẫn đang đối mặt với 3 lựa chọn: Dừng kinh doanh, tăng giá bán hàng hoặc chấp nhận gánh chi phí tăng thêm. Tất cả những điều này đều khiến giá hàng hoá đắt đỏ hơn.
Theo đại diện Hiệp hội DN dịch Logistics Việt Nam, trước tình hình tắc nghẽn vận chuyển cũng như nhu cầu tăng cao hơn, giá container được dự báo là sẽ không giảm xuống cho đến hết năm 2022. Ngay cả khi đã hạ nhiệt thì mặt bằng giá mới cũng sẽ cao hơn nhiều so với thời điểm trước khi xảy ra đại dịch.
Cục Hàng hải Việt Nam khuyến nghị các nhà sản xuất và nhập khẩu cần phải tính toán lại phương án kinh doanh cho hiệu quả trong 2 quý cuối năm nay. Đồng thời, cần phải chuyển đổi và nâng cao năng lực, có kế hoạch xuất nhập khẩu dài hạn hơn, ký kết hợp đồng vận chuyển dài hạn thay vì những hợp đồng ngắn hạn, cần tìm phương án cắt giảm chi phí, ưu tiên giải pháp thương lượng lại thời gian giao hàng với các đối tác.
Về lâu dài, cần đẩy mạnh liên kết giữa các hiệp hội, ngành hàng để nâng cao năng lực cạnh tranh tạo ưu thế khi tham gia đàm phán với đối tác cũng như hoàn thiện các quy định đăng ký, xây dựng khung giá cước cụ thể khi các hãng tàu vào hoạt động tại cảng biển của Việt Nam.
Trong 6 tháng đầu năm 2021, dù chịu những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tổng sản lượng vận tải biển quốc tế của đội tàu biển Việt Nam tăng trưởng 54%. Hiện, đội tàu biển Việt Nam đang đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 30 trên thế giới theo số liệu thống kê của Diễn đàn Thương mại và phát triển Liên hiệp quốc. |