Sản xuất công nghiệp “khó chồng khó”
Tại buổi làm việc trực tuyến của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) với 11 Hiệp hội ngành hàng công nghiệp mới đây, Cục Công nghiệp cho biết, dịch bùng phát lần thứ 4 tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, DN chế biến chế tạo. Theo các DN phản ánh, chỉ riêng việc phát hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ngay tại các nhà máy, khu công nghiệp đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều DN phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.
![]() |
Chủ động các giairi pháp gỡ khó cho sản xuất công nghiệp |
Chỉ ra những khó khăn mà DN công nghiệp đang gặp phải, Cục Công nghiệp khẳng định, chi phí sản xuất tăng cao, chủ yếu do giá một số nguyên vật liệu cơ bản phục vụ sản xuất như thép và các nguyên phụ liệu trong các ngành sản xuất đồ uống, thực phẩm… Đồng thời, việc phát sinh nhiều chi phí phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh cũng ảnh hưởng lớn tới các DN.
Bà Trương Thị Chí Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) bày tỏ, biến cố từ dịch bệnh đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới bị đứt gãy. Mặc dù vẫn có thể duy trì sản xuất nhưng gần 50% số DN thuộc VASI bị sụt giảm doanh thu. “DN liên tiếp trải qua 4 đợt bùng phát dịch, khiến việc sản xuất trở nên khó khăn, nội lực yếu dần. Đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh và nhiều khu công nghiệp, nhiều DN buộc phải dừng sản xuất, chậm trễ trong giao nhận hàng…”- bà Bình nêu cụ thể.
Bên cạnh đó, các mặt hàng nguyên vật liệu phục vụ sản xuất bị nhiều địa phương đánh giá không phải là “hàng hóa thiết yếu” không được vận chuyển, lưu thông, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN. Hay sự không thống nhất trong áp dụng các quy định về phòng dịch ở các tỉnh, thành khiến phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hóa của DN. Ước tính của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam khẳng định, tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các DN vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày.
Với tình hình trên, Cục Công nghiệp dự báo, trong thời gian tới, đơn hàng trong nước của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Đặc trưng của ngành sản xuất công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách xã hội thì DN gánh hệ quả nặng nề. Sự thiếu đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương đã khiến các DN sản xuất, đặc biệt là DN công nghiệp chế biến, chế tạo… “khó chồng khó”.
Tập trung giải pháp gỡ khó
Đại diện VASI kiến nghị Chính phủ ưu tiên tiêm vắc xin cho người lao động; hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất phù hợp với quy mô nhỏ của DN công nghiệp hỗ trợ dưới 1.000m2 và giảm giá thuê đất. Có giải pháp dài hạn và bền vững để đảm bảo ổn định nguồn nguyên vật liệu đầu vào cho các ngành sản xuất chế tạo.
Theo ý kiến của các hiệp hội, ngành hàng, trong thời gian trước mắt, cần sớm bổ sung một số ngành sản xuất, dịch vụ, mặt hàng vào danh mục “hàng hóa, dịch vụ thiết yếu” để tạo điều kiện ổn định lưu thông, sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Bên cạnh đó, cần xem xét cho phép áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép DN có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng (tuy nhiên vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm theo quy định của pháp luật về lao động) để tạo điều kiện cho các DN tăng ca sản xuất, bảo đảm kịp tiến độ giao hàng – đặc biệt là đối với những đơn hàng xuất khẩu trong các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử.
Các hiệp hội, ngành hàng đề xuất, cần tập trung vào các giải pháp hỗ trợ về tài chính cho các ngành sản xuất. Trong đó, xem xét miễn, giảm hoặc gia hạn thời hạn tăng tiền thuê đất, thuê hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh; Bộ Tài chính xem xét tiếp tục có các chính sách ân hạn, giãn, hoãn nộp các khoản thuế, phí trong một thời hạn nhất định để hỗ trợ cho các DN, cũng như tiếp tục các chính sách ưu đãi về thuế, phí để kích cầu tiêu dùng trong một số ngành hàng (như chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP của Chính phủ trước đây…).
Đối với các DN phía Nam – với đặc thù sử dụng nhiều lao động nhập cư từ các địa phương khác, chỉ nên yêu cầu thực hiện phương châm “1 cung đường, 2 địa điểm”, không nên yêu cầu áp dụng phương châm “3 tại chỗ”, trong đó, DN sẽ có trách nhiệm xác nhận cung đường và địa điểm cho người lao động và cam kết chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra việc lây lan dịch bệnh. Đồng thời, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể về lộ trình dự kiến phục hồi sản xuất để các DN có kế hoạch về nhân sự, lao động và tài chính để hoạt động trở lại sau dịch.
Cục Công nghiệp cho biết, sẽ tiếp thu, nghiên cứu các ý kiến và đề xuất các giải pháp, đồng thời tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Bộ Công Thương sẽ bám sát tình hình sản xuất công nghiệp trên địa bàn toàn quốc, trong các khu, cụm công nghiệp để hướng dẫn thực hiện giải pháp nhằm thực hiện các biện pháp phòng, chống COVID-19 hiệu quả vừa bảo đảm phát triển sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tổ chức hướng dẫn các Sở Công Thương, các khu, cụm công nghiệp xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh theo từng cấp độ, có các giải pháp cụ thể để tái khởi động lại hoạt động của các nhà máy, DN đáp ứng tiêu chí an toàn. |