Tận dụng thành công trong năm đầu thực thi
Đánh giá về kết quả đạt được sau 1 năm thực thi Hiệp định EVFTA (1/8/2020-1/8/2021), ông Lương Hoàng Thái – Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) – cho biết, trước khi hiệp định được phê chuẩn, hai bên đã có những bước chuẩn bị từ rất sớm, nên trong quá trình thực hiện, việc tận dụng cơ hội từ Việt Nam và EU tốt hơn so với các Hiệp định khác mà Việt Nam đã ký kết từ trước tới nay.
![]() |
Ngành giày dép tận dụng khá tốt cơ hội từ hiệp định EVFTA khi tỷ lệ tận dụng C/O là 99% |
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và EU đạt 27,67 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu tính riêng xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2021 đạt 19,4 tỷ USD, tăng 18,3% so với 6 tháng đầu năm 2020. Trong số đó, tỷ lệ tận dụng mẫu C/O EUR1 đạt 29,09% trong tổng số kim ngạch xuất khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường EU là điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng giày dép (tỷ lệ tận dụng C/O là 99%), hàng dệt may (tỷ lệ tận dụng C/O là 16,26%), thủy sản (tỷ lệ tận dụng C/O là 73,5%), túi xách và ví (tỷ lệ tận dụng C/O là 62,46%).
Nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm 2019, cụ thể như: Sản phẩm từ cao su tăng 56,91%; gạo tăng 3,73; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 33,75%; rau quả tăng 12,5%.
Ngược lại về nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU 6 tháng đầu năm 2021, đạt 8,2 tỷ USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ năm 2020. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ EU là linh kiện, phụ tùng ô tô, ô tô nguyên chiếc, hàng điện gia dụng và linh kiện…
Còn về đầu tư, với những cam kết về quản trị minh bạch từ Hiệp định EVFTA và những cam kết tạo môi trường thương mại đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của hai bên, Việt Nam đã tiếp nhận được nguồn đầu tư có chất lượng và được học hỏi, hấp thụ khoa học và công nghệ tiên tiến từ EU, tạo ra những giá trị và lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư của cả hai bên. Tính đến tháng 6 năm 2021, EU có 2.221 dự án (tăng 142 dự án so với cùng kỳ năm 2020) từ 26/27 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với vốn đầu tư đăng ký đạt 22,216 tỷ USD (tăng 449 triệu USD so với cùng kỳ năm 2020), chiếm 5,58% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước và vùng lãnh thổ vào Việt Nam và chiếm 6,57% số dự án.
Điều này cho thấy, doanh nghiệp của cả hai bên đang hiện thực hóa được những cơ hội và lợi ích mà Hiệp định này mang lại.
Cải thiện quá trình thực hiện, thực thi Hiệp định tốt hơn
Thông thường mỗi FTA hướng tới lợi ích lâu dài, không chỉ 1 năm ,2 năm, 5 năm và lâu hơn nữa. Cho nên 1 năm ban đầu được cho là quá trình tập dượt để thực thi tốt hiệp định. Ông Lương Hoàng Thái cho rằng, quá trình thực hiện 1 năm chính là cơ sở tốt để nhìn lại, cải thiện hơn nữa quá trình thực hiện, từ đó có thể thực thi tốt hơn.
EVFTA là 1 trong hiệp định đầu tiên có 1 chương trình kế hoạch thực hiện mang tính tổng thể, không chỉ ở bộ, ngành mà cả các địa phương. Về cơ bản, các địa phương đã ban hành Kế hoạch hành động của gửi về Bộ Công Thương. Các tổ chức có liên quan như Hiệp hội, ngành hàng, VCCI cũng có sự phối hợp thực thi tốt hiệp định. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh có khả năng diễn biến phức tạp, kéo dài, làm suy giảm nghiêm trọng nguồn lực của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc đối mới công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm, năng suất lao động…, từ đó làm cho việc tận dụng hiệu quả các cam kết của Hiệp định trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, nhiều bộ, ngành, tỉnh thành, cơ quan còn đang chú trọng vào công tác phòng chống dịch, chưa thể dành sự quan tâm vào việc thúc đẩy việc thực thi và tận dụng các FTA. Trong khi đó, tình hình thế giới, khả năng tái thực hiện các biện pháp phong tỏa còn hiện diện, do đó sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động xuất khẩu và đầu tư…
Để thực thi tốt hơn Hiệp định EVFTA trong thời gian tới, theo ông Lương Hoàng Thái, rất cần sự chung tay của các Bộ, ngành, địa phương cũng như doanh nghiệp. Trong đó, các Bộ, ngành cần phối hợp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt bố trí đủ và linh hoạt kinh phí cho các cơ quan thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch thực hiện Hiệp định EVFTA. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu để có cơ chế thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các khoản tín dụng để nâng cao khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA.
Liên quan đến công tác tuyên truyền, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng và triển khai các hoạt động tuyên truyền, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, tránh trùng lặp, lãng phí. Đồng thời, đổi mới hình thức tuyên truyền, nghiên cứu các mô hình hội nghị, khóa học, ấn bản phẩm trực tuyến nhằm phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, đồng thời tối giản kinh phí thực hiện.
Về phía địa phương, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, Hiệp hội có liên quan để tăng cường việc định hướng các doanh nghiệp chủ động mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng cường tận dụng cơ hội từ thị trường các nước EU.
Với sự hỗ trợ từ phía Chính phủ, bộ, ngành, địa phương, bản thân doanh nghiệp cũng cần chủ động tận dụng nhiều hơn từ các cơ hội mà hiệp định này mang lại. Cụ thể, cần chủ động tìm hiểu các cam kết của Hiệp định, chủ động chuẩn bị năng lực, nguồn hàng, nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất, từ đó hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất, canh tác, chế biến, phân phối. Có như vậy mới đảm bảo được chất lượng sản phẩm, đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định và tiêu chuẩn cao của EU. Do EVFTA là hiệp định toàn diện, cân bằng về mọi mặt, nên bên cạnh việc đáp ứng tiêu chuẩn cao của EU, doanh nghiệp cũng cần nâng cao trách nhiệm xã hội của mình, chú trọng thực hiện các quy định về phát triển bền vững của Hiệp định như các tiêu chuẩn về lao động, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học… Đặc biệt, cần chủ động và chuẩn bị đối phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại thông qua việc theo dõi tình hình thị trường, giá cả, điều kiện giao thương.
Vừa qua, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo về kết quả triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA, trong đó đã đề xuất các giải pháp đề thúc đẩy hiệu quả việc thực thi các Hiệp định này. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý với các kiến nghị được đề xuất. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang nghiên cứu và xây dựng bộ chỉ số đánh giá tình hình thực thi các FTA nói chung và EVFTA nói riêng ở các cấp (FTA Index). Dự kiến khi đưa vào vận hành, FTA Index sẽ là công cụ hiệu quả để đẩy mạnh việc thực thi và tận dụng các FTA nói chung, EVFTA nói riêng.
Đặc biệt, tại Phiên họp lần thứ nhất Ủy ban Thương mại của Hiệp định EVFTA diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovskis đã thống nhất quy chế làm việc để xử lý và đáp ứng nhanh nhất những vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi hiệp định, đặc biệt vấn đề tạo rào cản đối với thương mại, đầu tư của cả 2 bên.
Kỳ vọng thời gian tới, với sự hợp tác của EU, cùng sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, Việt Nam sẽ thực hiện đúng Kế hoạch hành động mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ban hành, từ đó xử lý tốt những vấn đề phát sinh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra.