![]() | Doanh nghiệp bán hàng lưu động phục vụ người lao động |
Xuất hiện nhiều "chợ" kiểu mới
Những ngày qua tại Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch lây lan, 20 chợ đầu mối và chợ dân sinh, 52 siêu thị, cửa hàng tiện lợi dừng hoạt động, ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa thực phẩm thiết yếu.
![]() |
Nhiều địa phương có dịch đã xuất hiện nhiều điểm bán hàng lưu động để đảm bảo mọi người dân đều có cơ hội tiếp cần hàng hóa thiết yếu, vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch |
Để đảm bảo được nguồn cung và phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn, Sở Công Thương Hà Nội đã chỉ đạo các hệ thống phân phối tổ chức điểm bán hàng lưu động giúp người dân hạn chế đi lại, đảm bảo phòng chống dịch và tạo thuận tiện cho người dân mua hàng tiêu dùng thiết yếu. Đơn cử như AEON đã mở 4 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá tại quận Long Biên; tại quận Hoàn Kiếm cũng mở điểm bán hàng ngay tại một trường học, với các đơn vị bán hàng như: Hệ thống BRG, hệ thống Vinmart, Công ty Cổ phần Hương Việt Sinh, Công ty Cổ phần sản xuất và thương mại An Việt. Tại phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy), mô hình “chợ lưu động” cũng được triển khai sau khi chợ Đồng Xa bị đóng cửa do ảnh hưởng của dịch…
Trong khi đó, tại một số địa phương như Khánh Hòa, Cần Thơ… đang thực hiện mô hình “mang chợ ra không gian thoáng”. Các tiểu thương đều được bố trí ngồi giãn cách, trước các quầy hàng được giăng dây để hạn chế tiếp xúc, và chỉ bán các mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, củ, trứng, lương thực, thực phẩm khô… Còn với TP. Hồ Chí Minh, bên cạnh tổ chức hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, các mô hình bán hàng kiểu mới như bán hàng theo “combo”, lập các đội bán hàng lưu động, “siêu thị mini” đặt trên xe bus 52 chỗ… cũng đang được triển khai, nhằm đáp ứng nhu cầu người dân, đồng thời đảm bảo giãn cách theo quy định phòng chống dịch.
Có thể nói, trong thời điểm giãn cách xã hội, những mô hình này đều rất cần thiết và được người dân đánh giá cao. Tại các điểm bán hàng lưu động này, hàng hóa khá dồi dào, phong phú, cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân, giá được niêm yết công khai. Đặc biệt, tại đây, người dân khi mua sắm đều được đo thân nhiệt và yêu cầu thực hiện đầy đủ quy định 5k.
Tăng thêm nhiều điểm bán hàng lưu động
Theo ghi nhận của Tổ Công tác đặc biệt khu vực các tỉnh thành phía Nam của Bộ Công Thương, việc các siêu thị tận dụng khu vực sảnh, hành lang, khuôn viên trung tâm thương mại để bày bán các quầy hàng giãn cách đã hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người mua. Với mô hình “mang chợ ra không gian thoáng”, đây là mô hình rất thông minh, tuy nhiên cần được cân nhắc áp dụng với các địa phương khác có dịch, với biến chủng Delta có nguy cơ lây lan nhanh.
Hiện nay, tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội đều có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu bị dừng. Theo bà Trần Thị Phương Lan – Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, hiện nay, các doanh nghiệp, các địa phương đã tăng cường mở thêm các điểm bán hàng thiết yếu. Các quận, huyện, thị xã cũng xây dựng phương án tổ chức triển khai điểm bán hàng trong tình huống dịch Covid-19, trong đó mỗi phường/xã ít nhất tổ chức thêm 1 điểm bán. Những nơi chưa có chợ tổ chức tối thiểu từ 2 điểm bán trở lên. Đồng thời sẵn sàng kích hoạt 2.500 điểm bán hàng lưu động do các quận, huyện, thị xã bố trí địa điểm.
Trong khi đó, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đang phấn đấu tăng lên 100 chuyến xe bán hàng lưu động mỗi ngày...
Những mô hình lưu động trên rất linh hoạt, sáng tạo, đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm hàng tiêu dùng thiết yếu của người dân, đặc biệt trong thời gian giãn cách phòng chống Covid-19, . Tuy nhiên, theo chuyên gia bán lẻ, trong quá trình triển khai cơ quan quản lý và chính quyền địa phương cần đảm bảo nguồn hàng cung ứng hàng đều đặn. Hàng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả bình ổn.