Doanh nghiệp linh hoạt, chủ động thích ứng với đại dịch

16:52 | 10/08/2021 In bài biết
Trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhiều bằng chứng cho thấy doanh nghiệp đang lao đao, cần hỗ trợ để có khả năng phát triển và trụ vững. Nhưng chính sách hỗ trợ chỉ góp phần tăng khả năng chống chọi của doanh nghiệp. Vấn đề chính là năng lực nội tại của doanh nghiệp và khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động mạnh khiến các doanh nghiệp (DN) lao đao về tài chính, do không thu được tiền bán hàng, đứt gãy nguồn cung nguyên liệu. Nhiều đơn hàng bị hủy, quy mô sản xuất giảm trong khi tích lũy vốn của DN Việt Nam còn hạn chế.

Doanh nghiệp linh hoạt, chủ động thích ứng với đại dịch
Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực nội tại để vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 (Ảnh: Quỳnh Nga)

Nhiều DN không còn khả năng trụ vững, buộc phải rút lui khỏi thị trường, nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh. Tuy nhiên, cũng trong rủi ro đó lại có tính hai mặt. Đó là, nếu DN biết tận dụng và coi đó là cơ hội để tái cấu trúc mạnh mẽ, chuyển đổi số để hòa nhập tốt hơn trong kỷ nguyên số hóa, sẽ nhận được giá trị thực của phát triển bền vững.

Đồng ý quan điểm trên, ông Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng GDP dương liên tục, chính là nhờ vào sự cố gắng, nỗ lực của một bộ phận lớn DN vượt qua khó khăn, tác động của dịch bệnh.

Ông Cường dẫn chứng, nhìn lại hơn một năm qua, có thể thấy, sự chuyển dịch của DN rất nhanh, bắt đầu từ xoay chuyển tình thế, chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh, như chuyển qua sản xuất khẩu trang, bảo hộ, dung dịch sát trùng, sát khuẩn. Điều này, không chỉ giúp DN cung ứng đủ hàng hoá phục vụ thị trường trong nước mà còn cả thị trường quốc tế.

“Bên cạnh đó, hàng loạt DN cũng đã thích ứng khá nhanh với công cuộc chuyển đổi số. Việc chủ động, linh hoạt chuyển sang phương thức tiếp cận thị trường bằng công nghệ, giới thiệu, kinh doanh hàng hóa thông qua nền tảng số, đã giúp DN không dừng lại ở tiêu thụ trong nước, mà vươn ra bắt tay, kết nối với bạn hàng nước ngoài để duy trì xuất khẩu” - ông Cường nói.

Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho hay, dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề nhất cho DN, nhất là những DN nhỏ và vừa vừa, đặc biệt DN ngành du lịch, khách sạn… Nhưng mặt khác, vẫn có những mảng, lĩnh vực có điểm sáng như DN xuất khẩu, logistics, kinh doanh trên mạng hoặc tài chính ngân hàng...

Tuy nhiên, theo ông Thân, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, DN sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Ngoài tìm biện pháp khắc phục, cần phải nghĩ đến một kịch bản xấu nhất đến tăng trưởng kinh tế và phải xác định sống chung với nó.

Chủ động thích ứng

Để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế, từ đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt chính sách hỗ trợ DN, người dân tiếp tục được Chính phủ và Bộ Tài chính thực hiện. Bộ Tài chính dự kiến các giải pháp này sẽ đạt khoảng 135.000 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân, DN. Riêng chính sách giảm, hoãn thuế 27.500 tỷ đồng, gói an sinh xã hội 26.000 tỷ đồng. Gói điện, nước, phí, chi phí chống dịch hàng chục nghìn tỷ đồng và gói giảm thuế tới đây khoảng 20.000 tỷ đồng…

Theo ông Nguyễn Văn Thân, các giải pháp hỗ trợ nêu trên được đánh giá là kịp thời, có tác động tích cực và được cộng đồng DN, góp phần tháo gỡ khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì tăng trưởng của năm 2020 cũng như kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, cần phải tạo cơ chế linh hoạt cho người thực hiện các gói hỗ trợ này để mục tiêu hỗ trợ thực sự đạt hiệu quả.

Mặt khác, trong giai đoạn cam go, nhiều bằng chứng DN đang đuối sức, cần hỗ trợ để có khả năng phát triển và trụ vững. Nhưng chính sách hỗ trợ chỉ góp phần tăng khả năng chống chọi của DN. Vấn đề chính là, năng lực nội tại của DN và khả năng phục hồi của nền kinh tế.

“Chúng ta phải nhìn nhận, áp lực của dịch bệnh buộc DN phải thay đổi, chứ không phải thay đổi trong môi trường bình thường. Vì vậy, có những khoảng trống trong kiến thức, trong hoạt động quản trị, điều hành. Sự thiếu hụt này phải bổ sung ngay, nếu không, DN sẽ bị trả giá do chưa thích ứng về mặt con người” - ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ thêm.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường: Bên cạnh sự chia sẻ, nỗ lực hỗ trợ của Nhà nước, bản thân các DN cũng cần chủ động nhìn thấy cơ hội trong khó khăn. Các DN cần chuyển đổi hướng đầu tư, quy trình công nghệ để chen chân được vào những chỗ đứt gãy của chuỗi cung ứng, tránh phụ thuộc; nâng cao năng lực của DN để có thể chủ động tham gia vào thị trường thế giới.
Quỳnh Nga - Đỗ Nga

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: trungtamdaphuongtien.bct@gmail.com

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/doanh-nghiep-linh-hoat-chu-dong-thich-ung-voi-dai-dich-185752.html