3 phân ngành thế mạnh
Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho thấy, hiện Việt Nam có hơn 25.000 DN cơ khí đang hoạt động và có kết quả kinh doanh, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo, với doanh thu thuần là hơn 1.465.000 tỷ đồng.Tuy nhiên, các DN cơ khí nội địa phổ biến là quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa làm chủ được công nghệ lõi hoàn chỉnh trong lĩnh vực cơ khí.
![]() |
Lĩnh vực cơ khí đang nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới |
Mặc dù vậy, Cục Công nghiệp cũng chỉ ra thế mạnh hiện nay ngành cơ khí Việt Nam tập trung ở 3 phân ngành gồm xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng - dụng cụ ô tô và phụ tùng ô tô. Đây là những phân ngành chủ yếu hướng tới xuất khẩu hoặc phục vụ DN FDI. Tức là tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Số liệu thống kê cho thấy, 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước.
Đơn cử, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) từ chỗ chỉ tập trung sản xuất linh kiện cơ khí ô tô, đến nay đã phát triển cơ khí trở thành một trong những ngành nghề sản xuất kinh doanh chính, cùng với ô tô đóng vai trò chủ lực bổ trợ lẫn nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh..
Mới đây nhất Thaco đã trao tặng 126 xe chuyên dụng chuyên dụng vận chuyển vắc xin và phục vụ tiêm chủng lưu động. Đây là sản phẩm được sản xuất với tỷ lệ nội địa hóa trên 50%, được tiêu thụ trong nước và đang xuất khẩu sang các nước Asean (Thái Lan, Philipine,..), mang thương hiệu Mitsubishi Fuso (Nhật Bản) sở hữu bởi tập đoàn Daimler - Mercedes (Đức).
Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), tỷ lệ nội địa hóa của ô tô Trường Hải đến thời điểm hiện tại từ 20% đến gần 50% cho các loại xe. Ngoài ra, Trường Hải cũng là DN duy nhất tại Việt Nam có khả năng bán ngược trở lại các linh kiện ô tô cho công ty khác như Ford, Mitsubishi,…
Không chỉ Thaco, những năm qua, còn nhiều DN cơ khí có bước đột phá, như Công ty TNHH Cơ khí Bùi Văn Ngọ, hiện các sản phẩm cơ khí chế tạo, cơ khí gia dụng của công ty đã được nghiên cứu, sản xuất theo phương châm thích nghi, hiệu quả, hiện đại, với các tiêu chí tinh xảo trong từng chi tiết và hiện đại trong toàn hệ thống. Các loại máy nông nghiệp của Công ty đang được xuất khẩu tới trên 40 quốc gia.
Bên cạnh đó, phải kể đến một số DN trong lĩnh vực ôtô như Vinfast, Thành Công. Chỉ trong vòng 21 tháng, Vinfast đã đưa ra thị trường ôtô mang thương hiệu Việt Nam. Cơ khí gia công chế tạo có một số DN như Toyota, Nikon… Tuy nhiên, họ vẫn coi cơ khí là phụ trợ. Trong tương lai xa hơn, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.
Chủ động tạo cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh
Thực tế, đã có nhiều văn bản để phát triển ngành cơ khí như Luật Đầu tư năm 2014, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… Rõ ràng, Đảng, Chính phủ rất quan tâm phát triển công nghiệp cơ khí.
Song để đưa ra giải pháp cụ thể cho phát triển ngành cơ khí, nhiều chuyên gia nhấn mạnh, nhà nước, DN nên ưu tiên một số lĩnh vực mang tính nền tảng. Cụ thể, tiếp tục đầu tư và ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí (lĩnh vực ôtô, đóng tàu, chế tạo thiết bị phục vụ nông -lâm-ngư nghiệp); khuyến khích DN luyện kim trong nước đầu tư sản xuất thép chế tạo để cung cấp nguyên vật liệu đầu vào cho ngành cơ khí.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết sự chuyển dịch về đầu tư có sự thay đổi tích cực trong những năm gần đây, trong đó, vốn đầu tư ngày càng tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực chế biến, chế tạo. Một lượng lớn vốn FDI vẫn đang tiếp tục tìm đường vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp cơ khí...Theo đó, lĩnh vực cơ khí tiếp tục nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã và đang tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Đón đầu xu thế, các DN có vốn FDI hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo đang có xu hướng tăng đầu tư dự án sản xuất công nghệ cao.
Theo Hiệp hội cơ khí Việt Nam, muốn đón được cơ hội này, các DN cơ khí phải nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, chuẩn hóa về sản phẩm, từ nguyên liệu, các khâu sản xuất đến giá thành cạnh tranh. Trong tương lai, ngành cơ khí đòi hỏi sự phát triển về nguyên vật liệu, khuôn mẫu, gia công chế tạo chứ không chỉ gia công cắt gọt đơn thuần.
Để hỗ trợ ngành cơ khí, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn, trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển. Điều này sẽ thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam. Bằng cách thúc đẩy các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thị trường cho công nghiệp hỗ trợ trong nước sẽ được duy trì và mở rộng, tạo tiền đề để các DN cơ khí trong nước trở thành nhà cung cấp, tham gia vào chuỗi cung ứng của các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Theo Bộ Công Thương, ngành cơ khí Việt Nam cần xác định nhu cầu thị trường, chỉ rõ những khoảng trống để phát triển, những lĩnh vực mà ngành có thể cạnh tranh được. Ngoài việc tạo thị trường cho DN, các cơ chế, chính sách phải linh hoạt để khuyến khích DN đầu tư, mở rộng sản xuất đón sóng hội nhập. |