TP. Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình. Hiện nay, chế biến lương thực - thực phẩm là một trong bốn ngành trọng điểm của thành phố, chiếm gần 14% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Ngành chế biến lương thực - thực phẩm trên địa bàn thành phố đang từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước thay thế hàng nhập khẩu, thậm chí đã xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới.
![]() |
Ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm có nhiều cơ hội để phát triển |
Để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ lợi thế, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định về Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) và sản phẩm ngành chế biến lương thực - thực phẩm thành phố giai đoạn 2020 - 2030.
Theo đó, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu hỗ trợ phát triển DN và sản phẩm ngành chế biến lương thực - thực phẩm thông qua hỗ trợ đổi mới máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến mở rộng thị trường. Gia tăng đóng góp của các ngành công nghiệp trọng yếu vào GRDP của thành phố.
Giải pháp để thu hút đầu tư và tạo tính lan tỏa là: Triển khai các chương trình, kế hoạch hợp tác với DN nhằm đào tạo nguồn nhân lực bậc cao cho ngành chế biến lương thực - thực phẩm; tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn; ứng dụng giải pháp công nghệ… Bên cạnh đó, thành phố còn hỗ trợ DN về mặt bằng sản xuất như rà soát, ưu tiên bố trí quỹ đất trong khu công nghiệp cho các dự án ngành chế biến lương thực - thực phẩm sử dụng công nghệ cao, đảm bảo các tiêu chí về môi trường…
Cùng với TP. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm của cả nước đang có xu hướng tăng trưởng mạnh, từng bước cung ứng nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh cao, chiếm lĩnh thị trường nội địa và gia tăng xuất khẩu.
Số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến thực phẩm và sản xuất rau củ quả ngày càng chiếm tỷ lệ cao. Đáng chú ý, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp 2 năm qua nhưng chế biến thực phẩm là lĩnh vực chịu tác động thấp. Một số ngành sản xuất và chế biến sữa, đồ uống, dầu ăn, bánh kẹo được dự báo có xu hướng ngày càng tăng trưởng cao và trở thành các phân khúc thị trường chế biến năng suất nhất của Việt Nam.
Do có tiềm năng lớn nên thị trường ngành sản xuất, chế biến thực phẩm của Việt Nam có sức hút nhà đầu tư nước ngoài. Đã có nhiều thương vụ sáp nhập và mua lại các công ty chế biến thực phẩm diễn ra, điển hình như thương vụ CJ Group (Hàn Quốc) mua 65% cổ phần của Công ty TNHH thực phẩm Minh Đạt và mua 47,33% cổ phần của Công ty Cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre; Daesang Corp (Hàn Quốc) mua 100% cổ phần của Công ty Cổ phần thực phẩm Đức Việt; Earth Chemical (Nhật Bản) mua 100% cổ phần của Công ty Cổ phần Á Mỹ Gia…
Xu hướng phát triển này được chuyên gia dự báo còn tăng cao, khi mà nhiều Hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký kết có hiệu lực, điều này mang lại nhiều lợi thế về thị trường cho DN ngành sản xuất, chế biến thực phẩm phát triển.
Để nhanh chóng nắm bắt được cơ hội cũng như tăng khả năng cạnh tranh, DN trong nước cần chú trọng đầu tư mạnh thiết bị, công nghệ hiện đại để nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm; xây dựng kế hoạch quy hoạch vùng nguyên liệu thông qua những giải pháp căn cơ theo hướng tăng hiệu quả liên kết giữa các tỉnh, thành phố, giữa nông dân – DN sản xuất – nhà quản lý để tạo ra vùng nguyên liệu ổn định.
Tuy nhiên, trong bối cảnh các chi phí đầu vào đều tăng cao, nhất là giá nguyên liệu đầu vào của ngành từ nội địa đến nhập khẩu đều tăng mạnh từ 15-30%, để duy trì, ổn định sản xuất dẫn tới thiếu hụt hàng hóa, các DN ngành lương thực thực phẩm cũng rất cần được ưu tiên hấp thụ nguồn vốn từ ngân hàng thông qua hỗ trợ cho vay mới và giảm lãi suất cho vay để gia tăng, tiếp tục ổn định sản xuất, tránh nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh - ngoài việc bố trí ăn, ở, ngủ, các DN phải bổ sung thêm phụ cấp đặc biệt cho lực lượng lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ”, điều này làm tổng chi phí lương của DN trong ngành chế biến lương thực - thực phẩm tăng so với trước, trong khi tổng sản lượng sản xuất lại giảm.