Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 11/2021 hầu hết các ngành sản xuất công nghiệp của Thành phố đều tăng trưởng mạnh so với tháng trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,6%; sản xuất và phân phối điện tăng 18,7%... Một số ngành tăng mạnh so với tháng trước, như: sản xuất đồ uống tăng 51,6%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 40,8%; in, sao chép, bản ghi các loại tăng 30,%; dệt tăng 25,5%...
![]() |
Xét nghiệm Covid tại nhà máy để kiểm soát an toàn, đảm bảo vận hành sản xuất |
Dù vậy, gần đây dịch Covid-19 có xu hướng phức tạp trở lại, số ca F0 trong cộng đồng gia tăng, đặc biệt F0 tại các nhà máy cũng có xu hướng tăng lên khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại hoạt động tăng tốc sản xuất có thể bị ảnh hưởng. “Tại nhà máy của chúng tôi bắt đầu xuất hiện F0, trong khi thời điểm giãn cách không có. Chúng tôi lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành đơn hàng nên đang thực hiện 3 tại chỗ lại, đồng thời chia ca để kiểm soát an toàn tốt hơn”- bà Bùi Tuyết Mai - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí Việt Sơn chia sẻ.
Tuy vậy không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng thực hiện 3 tại chỗ thêm nữa bởi sau hơn 4 tháng ròng rã cho công nhân ăn ngủ trong nhà máy, nhiều doanh nghiệp đã không còn tiềm lực. Đó là chưa kể nhiều doanh nghiệp còn phải đối mặt với tình trạng không thể tuyển được công nhân do một lực lượng lớn lao động về quê tránh dịch vẫn chưa quay lại. “Thời điểm này đơn hàng tăng tới 100% so với trước song công nhân lại rất thiếu. Chẳng hạn tại công ty chúng tôi nhiều công nhân về quê và chưa có ý định quay lại. Họ lo ngại dịch bệnh và thời gian này cũng cận Tết nên muốn ở lại quê nhà”- ông Nguyễn Lâm Viên- Chủ tịch HĐQT của Vinamit cho biết.
Cũng như Vinamit, Công ty Nội thất D’furnis cho biết dù đã cố gắng đưa ra những chính sách tốt về tiền lương, an sinh xã hội để thu hút lao động song diễn biến dịch phức tạp nên người lao động chưa thực sự yên tâm trở lại.
Theo nhận định của UBND TP. Hồ Chí Minh, kinh tế của Thành phố trong 2 tháng cuối năm diễn ra giữa lúc đà tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu bị đe doạ do tác động của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư; các chuỗi cung ứng và các liên kết sản xuất bị gián đoạn do ách tắc giao thông cùng với tình trạng thiếu hụt lao động; giá năng lượng, giá nguyên vật liệu tăng gây áp lực lớn đến lạm phát.
Chính vì để hoàn thành đồng thời 2 nhiệm vụ: vừa chiến thắng dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho người dân, vừa ổn định xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, trong tháng cuối năm 2021, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ tập trung giải quyết nhanh 4 nhóm nội dung chủ yếu.
Theo đó, Thành phố sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, không chủ quan, lơ là; nâng cao năng lực xét nghiệm tại các cửa khẩu sân bay, bến cảng cùng với năng lực điều trị bệnh Covid-19... Tiếp đến là, huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế để duy trì hoạt động của doanh nghiệp nhằm tạo việc làm và thu nhập tối thiểu cho người lao động.
Thứ ba, tập trung xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai; giải quyết các xung đột pháp lý về thủ tục giao đất, xác định đơn giá đền bù, thủ tục thanh quyết toán xây dựng cơ bản để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Thứ tư, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong tất cả các hoạt động hành chính của cơ quan Nhà nước, nhất là những nơi thực hiện dịch vụ hành chính công - xem đây là nhiệm vụ cấp bách trong xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân; đẩy nhanh việc số hoá dữ liệu ở tất cả cơ quan, nhất là dữ liệu dân cư, dữ liệu doanh nghiệp...