Ngày 4/12, Ban Kinh tế trung ương và Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp tổ chức hội thảo "Xây dựng đội ngũ lãnh đạo chủ chốt tại các DNNN ngang tầm nhiệm vụ: Thực trạng và giải pháp".
![]() |
Công tác cán bộ bất cập gây cản trở doanh nghiệp phát triển
Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, đánh giá trong thời gian qua DNNN đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam, trong đó đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt - là cán bộ cấp chiến lược tại các DNNN - đóng vai trò then chốt trong hoạt động của DNNN. Chính vì vậy, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tại DNNN đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thành Phong cũng chỉ ra, có nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến công tác cán bộ tại DNNN, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và sự phát triển của DNNN".
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho rằng, việc xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược tại DNNN đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta.
Trước hết, việc tuyển chọn nhân lực của cấp quản lý, quản trị doanh nghiệp chưa đủ độ mở để tuyển chọn được người tài giỏi đáp ứng được yêu cầu cạnh tranh quốc tế hiện nay, “thiếu những cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, nhà khoa học và chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực”; “chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp”.
Bên cạnh đó, một số chủ trương đổi mới về vấn đề cán bộ của Đảng chưa được thể chế hóa để đưa vào cuộc sống như chủ trương thực hiện việc tách người quản lý doanh nghiệp nhà nước khỏi chế độ viên chức, công chức. Triển khai rộng rãi cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm qua thi tuyển cạnh tranh, công khai, minh bạch đối với tất cả các chức danh quản lý, điều hành và các vị trí công việc khác trong doanh nghiệp” hay chủ trương “Xây dựng Chiến lược quốc gia về thu hút và trọng dụng nhân tài theo hướng không phân biệt đảng viên hay người ngoài Đảng, người Việt Nam ở trong nước hay ở nước ngoài”.
Ngoài ra, việc bổ nhiệm cán bộ quản lý tại các DNNN còn vướng mắc ở quy định “không bố trí phân công các chức vụ lãnh đạo chủ chốt trong doanh nghiệp nếu không phải là cấp ủy viên hoặc cùng cấp”.
![]() |
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội thảo |
Do đó, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý, rất cần các nhà quản lý, các nhà khoa học, các doanh nghiệp nhà nước cung cấp giải pháp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình thực tiễn nhằm cung cấp thêm luận cứ xây dựng Đề án “Quy định về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ quản lý, quản trị doanh nghiệp nhà nước phù hợp với thể chế chính trị, cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế” trình Bộ Chính trị trong năm 2022.
Đừng bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc
Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương – CIEM băn khoăn khi đánh giá về những vi phạm, sai phạm liên quan đến lãnh đạo DNNN cho thấy mỗi người quản lý DNNN có lỗi, trong khi các cơ quan khác vô can. “Mỗi cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm đều qua nhiều khâu. Vì vậy, trong trường hợp để xảy ra vi phạm, sai phạm, thì đó là cả quá trình với nhiều bên liên quan, mà trước hết những cơ quan quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm đầu tiên”- TS Nguyễn Đình Cung nhìn nhận.
![]() |
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nêu ý kiến tại hội thảo |
TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, cán bộ DNNN không thể tách rời vai trò, sứ mệnh, mục tiêu nhiệm vụ và khuôn khổ quản trị của DNNN, đặc biệt quản trị theo thông lệ quốc tế gồm HĐQT, giám đốc điều hành. Việc này cần nghiên cứu học hỏi bài học kinh nghiệm của các tập đoàn đa quốc gia, tập đoàn tư nhân trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật. “Tôi tin rằng Tổng giám đốc của Vingroup không nằm trong quy hoạch nhưng họ có cán bộ giỏi chuyên môn và đạt được mục tiêu tốt hơn khu vực nhà nước. Vì vậy, đề nghị xem xét bỏ quy hoạch cán bộ với lãnh đạo chủ chốt DNNN”, ông Cung đề xuất.
Ông Cung phân tích, quy hoạch cán bộ sẽ không chọn được người tài, không chọn được những người lãnh đạo đổi mới, sáng tạo, dám chấp nhận rủi ro người giỏi mà chỉ chọn được những người biết tuân thủ. “Thay vì quy hoạch hãy làm chương trình kế hoạch tìm kiếm tài năng, tìm kiếm người tài thì mới tốt hơn nhiều, đừng bỏ cơ hội tìm người tài về làm việc cho chúng ta”, TS Nguyễn Đình Cung nêu cụ thể.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị xem xét bãi bỏ bổ nhiệm cán bộ DNNN theo cơ chế hành chính xin cho mà trao quyền tự chủ cho cơ quan chủ sở hữu là Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và SCIC thực hiện hậu kiểm kèm theo.
Nguyên Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, cần thực sự có thay đổi mang tính bước ngoặt, dứt khoát chuyển đổi sang cơ chế thị trường và công tác cán bộ, quản trị DNNN phải thực hiện đúng nguyên tắc theo thông lệ quốc tế.