Phấn đấu nằm trong nhóm 10 tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước
Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Đồng Nai phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển, nằm trong nhóm 10 tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước.
![]() |
Tỉnh dự kiến sẽ có thêm 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu được xây dựng mới và đi vào hoạt động trong thời gian tới. Ảnh minh họa |
Cụ thể, trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh phấn đấu để giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng trưởng bình quân tỪ 7-9%/năm (tương đương mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp). Đến cuối năm 2025, Đồng Nai kỳ vọng: tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt trên 50% (gấp 2 lần cả nước); và giá trị sản xuất ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh chiếm khoảng 21-23% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; giá trị sản xuất ngành công nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 8-10% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.
Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh phấn đấu hàng năm đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng trên toàn tỉnh. Lượng điện tiêu thụ hàng năm đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2% tổng sản lượng điện năng tiêu thụ.
Thương mại phát triển vượt bậc
Đối với lĩnh vực thương mại, trong giai đoạn 2020-2025, Đồng Nai phấn đấu để tổng mức bán lẻ hàng hoá đạt tốc độ tăng bình quân tương đương mức tăng chung của cả nước (khoảng 8-10%/năm), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh tăng trưởng bình quân từ 8% trở lên.
Tỉnh cũng triển khai các kế hoạch, để đến hết năm 2025, tỉnh có 178 chợ hoạt động với quy mô 20 chợ hạng 1, 39 chợ hạng 2 và 119 chợ hạng 3. Trong đó, 90% số chợ được xây dựng kiên cố và bán kiên cố; 95% số chợ được công nhận chợ văn minh/văn hóa trên tổng số chợ quy hoạch đang hoạt động; 98% số chợ đạt tiêu chuẩn về môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm; tỷ lệ hàng nông sản, thực phẩm được tiêu thụ thông qua chợ chiếm khoảng 65-70%; 75% số chợ thực hiện theo mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã quản lý và khai thác chợ. Tỉnh sẽ xây dựng và đưa vào hoạt động chợ đầu mối nông sản thực phẩm Dầu Giây giai đoạn 2.
Đồng thời, trong thời gian tới, tỉnh sẽ phát triển thêm 2 kho xăng dầu, 20 cửa hàng bán lẻ xăng dầu được xây dựng mới và đi vào hoạt động, phát triển mới thêm 200 cửa hàng hiện đại, kinh doanh tổng hợp (cửa hàng tiện lợi) hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hỗ trợ đầu tư 11 điểm hoặc trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, 40 cửa hàng “Tự hào hàng Việt”.
Ngoài ra, tỉnh sẽ phấn đấu để đạt các chỉ tiêu về phát triển thương mại điện tử, bao gồm: 35% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 400 USD/người/năm; Doanh số thương mại điện tử B2C (tính cho cả hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trực tuyến) tăng 15%/năm; Thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%, trong đó thanh toán thực hiện qua các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chiếm 80%; Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Đồng Nai hoạt động hiệu quả, có ít nhất 500 đơn vị tham gia, với giá trị khối lượng hàng hóa, dịch vụ giao dịch khoảng 80-100 tỷ đồng.