Cụ thể, số lượng đàn heo đạt 2.023.746 con (không tính heo con chưa tách mẹ), tăng 164.112 con (+8,82%) so với cùng kỳ.
Theo như Cục Thống kê ghi nhận, số lượng đàn heo tăng do hầu hết các đơn vị chăn nuôi có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh như Công ty Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty JapFa Việt Nam, Công ty CJ ViNa Agri có đủ các điều kiện an toàn đảm bảo công tác tái đàn, đảm bảo con giống, cũng như heo bố mẹ.
![]() |
Số lượng đàn heo tăng 8,82% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa |
Các doanh nghiệp, trang trại quy mô lớn chăn nuôi theo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp cho các kênh phân phối như siêu thị, hệ thống cửa hàng bán lẻ hiện đại vẫn tiêu thụ tốt. Giá bán được bao tiêu với mức giá ổn định nên vẫn có kế hoạch tăng đàn, đảm bảo nhu cầu tiêu thụ của thị trường trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, giá thịt heo hơi trên thị trường trong tháng vừa qua chỉ dao động từ 42-46 ngàn đồng/kg, giá bán này vẫn thấp hơn giá thành sản xuất. Giá thức ăn chăn nuôi và chi phí đầu vào tăng cao, làm cho giá sản xuất các sản phẩm chăn nuôi tăng, nhưng giá bán thấp hơn giá thành, do đó người chăn nuôi đang chịu tổn thất. Trong thời gian tới, khi thị trường xuất khẩu ổn định hơn và nhu cầu thị trường tiêu dùng dịp cuối năm tăng cao, giá bán sẽ cao hơn, giúp người chăn nuôi đảm bảo được lợi nhuận.
Số lượng trâu đạt 3.803 con, giảm 0,78% so với cùng kỳ; bò đạt 86.311 con, giảm 0,18% so với cùng kỳ. Số lượng đàn trâu và bò giảm chủ yếu do ảnh hưởng dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Đến nay, tỉnh đã khống chế được dịch này và tổ chức tiêm vaccine đạt trên 93% tổng số đàn.
Tính đến thời điểm tháng 11/2021, tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh là 24.113,04 ngàn con, tăng 1,54% so với cùng kỳ. Trong đó, gà đạt 21.403,05 ngàn con, tăng 1,3% so cùng kỳ. Nhu cầu thị trường đang có xu hướng tăng, và người chăn nuôi gà vẫn nỗ lực đầu tư tái đàn, tăng đàn để kịp phục vụ nhu cầu tiêu thụ dịp tết Nguyên Đán sắp tới.
Nhìn chung, trong giai đoạn khó khăn do dịch bệnh Covid-19, cả doanh nghiệp và người chăn nuôi càng phải nỗ lực hơn nữa để tìm những giải pháp tiết kiệm chi phí đầu vào sản xuất thì mới có lãi. Đồng thời, các ngành chức năng cần tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ lĩnh vực chăn nuôi, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sớm phục hồi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nhằm từng bước khôi phục ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn, tăng đàn gia súc, gia cầm để đáp ứng nhu cầu lớn của thị trường tiêu dùng dịp Tết sắp đến.