![]() |
Bưởi Tân Triều - một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai |
Trong các báo cáo về kết quả tham gia các kỳ hội chợ trong nước và quốc tế trước đây mà Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Đồng Nai đã phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh du lịch và các cơ sở làng nghề trên địa bàn tỉnh, thì có nhiều doanh nghiệp, du khách trong và ngoài nước muốn mở cửa hàng, đại lý để phân phối và tiêu thụ sản phẩm bưởi và rượu bưởi Tân Triều (một trong những đặc sản nổi tiếng của tỉnh), thanh long đỏ lên men, và các mặt hàng lưu niệm bằng gỗ.
Bên cạnh đó, các đơn vị lữ hành cũng nhận được nhiều đề nghị từ du khách trong và ngòai nước để đưa tham quan trực tiếp quy trình chế biến đặc sản rượu bưởi và bưởi, thanh long đỏ lên men, và tham quan nghệ nhân làm hàng lưu niệm gỗ mỹ nghệ của cơ sở Thành Nhân, nghề dệt thổ cẩm Tân Phú.
Do đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh kết hợp làng nghề truyền thống với du lịch trong thời gian sắp tới. Theo Lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đồng Nai, trước mắt các Sở, ngành, các đơn vị, cơ sở kinh doanh liên quan sẽ phối hợp cùng với nhau để hình thành và đưa các làng nghề kết hợp với các điểm du lịch đi vào họat động. Để thuận lợi hơn trong việc hình thành các tour du lịch, ngành du lịch tỉnh đã chọn ra các làng nghề gốm, gỗ mỹ nghệ, dệt thổ cẩm như: Doanh Nghiệp Tư nhân gốm mỹ nghệ Phong Sơn; Cơ sở du lịch sinh thái Vườn - Làng bưởi Năm Huệ; Cơ sở Thành Nhân (làm đồ chơi bằng gỗ); Làng dệt thổ cẩm Tân Phú. Trong đó, Cơ sở sinh thái Vườn - Làng bưởi Năm Huệ đã đi vào khai thác, phục vụ du khách, các điểm còn lại ở dạng tiềm năng, chưa đầu tư đúng mức.
Ngành du lịch Đồng Nai nhận định, phát triển du lịch sinh thái và văn hóa trên cơ sở sự phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn là định hướng mang nhiều yếu tố tích cực và linh họat. Việc đưa các yếu tố nhân văn vào du lịch sẽ góp phần nâng cao và tạo điều kiện thuận lợi việc bảo vệ, giữ gìn các giá trị văn hóa. Hình thức phát triển làng nghề gắn với du lịch tại tỉnh vẫn đang rất cần một cách làm chuyên nghiệp hơn. Giữa các ngành liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng một quy hoạch cho làng nghề, và bản thân người dân làng nghề phải ý thức hơn nữa về giá trị của việc gắn kết với du lịch để cùng phát triển.
Ngòai ra, việc xã hội hóa du lịch sẽ giúp phát huy sức mạnh tổng hợp đa dạng của các bên liên quan trong ngành du lịch, từ đó đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh nhà với nhiều hình thức, đồng thời quảng bá điểm độc đáo, nét riêng của du lịch Đồng Nai đến với du khách trong và ngoài nước.