Kế hoạch thực hiện được xây dựng trên cơ sở số dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến thời điểm hiện tại khoảng 3,22 triệu người (khoảng 904.800 hộ). Hiện Đồng Nai có 6 trung tâm thương mại, 11 siêu thị, 227 cửa hàng tiện ích, 148 chợ truyền thống và 65.935 cửa hàng tạp hóa (các địa phương ở vùng sâu vùng xa như Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Tân Phú, Vĩnh Cửu có từ 3.000 đến 5.000 cửa hàng tạp hóa) đang cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân trên địa bàn tỉnh.
![]() |
Rau củ quả là 1 trong 19 mặt hàng của chương trình bán giá bình ổn của tỉnh đợt này |
Chương trình bình ổn giá có 19 mặt hàng, bao gồm: thịt heo, thịt gà, trứng, gia cầm, thủy hải sản, rau củ quả, mì gói, muối ăn, đường, bột ngọt, bột nêm, dầu ăn, nước tương, nước mắm, nước uống đóng chai, khẩu trang kháng khuẩn, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, sách giáo khoa, vở học sinh.
Các đơn vị tham gia chương trình bình ổn giá phải có văn bản cam kết tham gia chương trình bình ổn của tỉnh (đối với các doanh nghiệp cam kết bình ổn), và thực hiện đúng các cam kết của đơn vị, các quy định của chương trình. Ngoài ra, các đơn vị tham gia chương trình phải tổ chức phân phối hàng hóa theo đúng kế hoạch tạo nguồn hàng và cung ứng hàng hóa đã được thẩm định, đảm bảo hàng hóa tham gia chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm, và thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá đã được Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt.
Bên cạnh đó, các đơn vị phải phát triển hệ thống phân phối và tăng số điểm bán hàng bình ổn thị trường. Trọng tâm phát triển điểm bán là tại các chợ truyền thống, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, khu vực vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, đẩy mạnh cung ứng hàng hóa bình ổn thị trường đến các bếp ăn tập thể.
Đồng thời, các đơn vị tham gia phải thông tin công khai địa chỉ các điểm bán, treo băng rôn, bảng hiệu, niêm yết bảng giá, trưng bày hàng hóa tại các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhận biết và mua sắm.
Khi tham gia chương trình bình ổn của tỉnh, các đơn vị tham gia có nhiều quyền lợi như: được vay vốn từ ngân sách để tổ chức dự trữ hàng hóa theo kế hoạch; được hỗ trợ các chính sách đầu tư phát triển hệ thống, hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với hàng hóa bình ổn thị trường; được tạo điều kiện tham gia các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản tại Đồng Nai và các tỉnh, thành phố và tiến tới xuất khẩu; được tạo điều kiện tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Được biết, chương trình bán hàng bình ổn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được thực hiện trong 12 tháng (bắt đầu từ 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022).