Thúc đẩy thương mại và đầu tư nhờ Hiệp định RCEP

18:42 | 08/01/2022 In bài biết
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2022. Với quy mô thị trường rộng lớn, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, Hiệp định này sẽ giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung.

Theo Bộ Công Thương, sau khi có hiệu lực đầy đủ - với tất cả các nước tham gia ký kết - Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới - xét về quy mô dân số (với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới) và GDP hơn 27 nghìn tỷ đô la Mỹ, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.

Thúc đẩy thương mại và đầu tư nhờ Hiệp định RCEP
RCEP mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu

Sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, từ 01/01/2022, các bên sẽ ngay lập tức thực hiện các cam kết của mình, trong đó có các cam kết cắt bỏ thuế quan. Cụ thể, Việt Nam và các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan đối với ít nhất 64% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Đến cuối lộ trình - sau 20 năm, Việt Nam sẽ xóa bỏ gần 90% số dòng thuế với các nước đối tác, trong khi đó, các nước đối tác sẽ xóa bỏ khoảng 90-92% số dòng thuế cho Việt Nam, và các nước ASEAN sẽ xóa bỏ gần như toàn bộ số dòng thuế cho Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga - Phó Vụ trưởng Vụ thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ trong Hiệp định RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan do nguồn cung nguyên liệu đầu vào chủ yếu đều nằm trong các thị trường khu vực RCEP:

“Một điểm khác biệt của Hiệp định này là thay vì 5 hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác trước đây ta phải áp dụng, tuân thủ 5 bộ quy tắc xuất xứ để hàng hóa khi XK sang thị trường đó được hưởng ưu đãi thuế thì hiệp định này tạo nên 1 bộ quy tắc xuất xứ hài hòa. Có nghĩa là bây giờ DN của ta có thể sử dụng các nguyên liệu đầu vào từ tất cả các nước trong khu vừa RCEP bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đối tác để sản xuất ra hàng hóa và XK đi bất cứ nước nào trong số các thành viên RCEP này cũng đều được hưởng ưu đãi thuế quan nếu đáp ứng được quy tắc xuất xứ…”- bà Nguyễn Thị Quỳnh Nga chỉ rõ.

Rất nhiều cơ hội được chỉ ra sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, mà thủy sản là một trong những ngành được đánh giá là có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh vào các thị trường của các đối tác RCEP. Việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, Niu Di-lân, Ốt-xtrây-lia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình cam kết 10-15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ mở ra cơ hội mới cho Việt Nam khi xuất khẩu mặt hàng có thể mạnh này vào thị trường các nước RCEP một cách nhanh chóng và thuận lợi hơn.

Bà Lê Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm VASEP.PRO thuộc Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, ngoài các thành viên ASEAN thì 5 nước đối tác tham gia RCEP đều là các đối tác quan trọng của ngành thuỷ sản. Xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường RCEP hiện chiếm khoảng 52% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam. Ngoài các cơ hội về xuất xứ cộng gộp trong nội khối, bà Lê Hằng còn cho biết thêm những cơ hội thông qua một số tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong Hiệp định RCEP đối với ngành chế biến thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam.

Bà Hằng cho hay: “Vấn đề thống nhất quy tắc xuất xứ tạo điều kiện rất thuận lợi cho lưu thông chuỗi cung ứng trong khối. Đấy là một cơ hội rất tốt cho DN thuỷ sản Việt Nam nhập khẩu nguồn nguyên liệu từ ASEAN để XK sang 5 nước còn lại trong khối, hoặc là nhập khẩu nguyên liệu từ 5 nước lớn đó để gia công chế biến cho chính các đối tác tại những nước này. Thứ 2 nữa là, đúng là một mặt bằng mới, một sân chơi mới. RCEP không thiết lập các tiêu chuẩn thống nhất về lao động, về môi trường thì cũng là thuận lợi cho doanh nghiệp thủy sản so với các FTA khác, vì đây đúng là hai vấn đề khá khó khăn và nhạy cảm đối với doanh nghiệp thủy sản. Thì chúng tôi nhìn thấy đó là những cơ hội rất thuận lợi để cho doanh nghiệp thúc đẩy xuất khẩu sang những thị trường này trong thời gian tới…”

Theo TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, không chỉ những mặt hàng Việt Nam có lợi thế xuất khẩu hiện nay cũng đã tham gia được vào các chuỗi cung ứng của thế giới (như dệt may, da giày, đồ gỗ…) thì RCEP còn tạo cơ hội cho phát triển các ngành dịch vụ, CNHT và đầu tư. Bởi khi các nhà đầu tư đến và cùng với các mạng sản xuất chuỗi giá trị thì sự tham gia đó cùng với logistics nữa thì đấy không chỉ là cơ hội cho phát triển CNHT mà còn là các dịch vụ hỗ trợ cho các mạng sản xuất và các chuỗi cung ứng này.

RCEP còn được kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao với những cam kết và điều kiện thuận lợi cho di chuyển thể nhân. Như vậy, năng suất lao động gắn với chất lượng, kỹ năng của đội ngũ lao động Việt Nam và các nước trong ASEAN cũng sẽ có điều kiện nâng cao và cải thiện hơn khi hiệp định có hiệu lực.

Phương Lan

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: trungtamdaphuongtien.bct@gmail.com

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/thuc-day-thuong-mai-va-dau-tu-nho-hiep-dinh-rcep-185106.html