Công nghệ số sẽ là cứu cánh cho du lịch năm 2022

16:23 | 10/01/2022 In bài biết
Đã có những tín hiệu tích cực cho ngành du lịch trong năm mới 2022, tuy nhiên với sự xuất hiện của biến chủng Omicron thì ngành công nghiệp không khói được khuyến cáo cẩn trọng hơn trong các giải pháp phục hồi. Ứng dụng nền tảng công nghệ số khi dịch bệnh được kiểm soát tiếp tục là giải pháp được tính tới.

Chủ động xây dựng

Mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng thời gian qua, ngành du lịch vẫn đạt được những thành công về quảng bá, tuyên truyền khi ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động.

Công nghệ số sẽ là cứu cánh cho du lịch năm 2022
Nhiều đơn vị đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh

Năm 2020, Tổng cục Du lịch phối hợp với nhiều đơn vị triển khai các đợt truyền thông trên hệ thống website và mạng xã hội, thông qua ứng dụng công nghệ “Du lịch Việt Nam an toàn”. Đầu năm 2021, dự án Google Arts & Culture - Kỳ quan Việt Nam đã ra đời, đánh dấu lần đầu tiên du lịch Việt Nam xuất hiện trên nền tảng trực tuyến nổi tiếng Google Arts & Culture - nơi đặt các bộ sưu tập của trên 2.000 bảo tàng trên thế giới, là nơi hội tụ tinh hoa nghệ thuật, văn hóa, lịch sử các quốc gia.

Ngay sau đó, chương trình truyền thông hình ảnh du lịch Việt Nam trên nền tảng YouTube do Trung tâm Thông tin du lịch thực hiện có tên “Việt Nam: Đi để yêu!” được ra mắt với sự hưởng ứng tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng, nhanh chóng thu hút sự quan tâm, chú ý của cộng đồng.

Trong đó, ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” được đánh giá cao trong việc hỗ trợ cho kế hoạch thí điểm sử dụng “hộ chiếu vắc xin” phục vụ đón khách quốc tế. App “Du lịch Việt Nam an toàn" tích hợp đầy đủ các tính năng nhằm đáp ứng yêu cầu của du khách, đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch và cơ quan quản lý nhà nước.

Thông qua ứng dụng này, khách du lịch dễ dàng tra cứu mức độ an toàn tại điểm đến, cập nhật bản đồ số để biết cảnh báo an toàn, tìm kiếm thông tin về dịch vụ nhà hàng, khách sạn, căn hộ du lịch, khu vui chơi, dịch vụ vận tải, bệnh viện, nhà thuốc…; đồng thời có thể tra cứu, cập nhật thông tin mới nhất liên quan đến điểm đến, chương trình khuyến mại ưu đãi… đưa ra lựa chọn phù hợp cho chuyến đi của mình.

Ngoài ứng phó với tình hình mới trong mùa dịch Covid-19, thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ để phát triển du lịch thông minh còn giúp thay đổi hình ảnh, nâng tầm thương hiệu và tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Xu thế tất yếu

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì ứng dụng các sáng kiến số và giải pháp công nghệ sẽ giúp ngành du lịch xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh có giá trị kinh tế - xã hội cao theo hướng phát triển bền vững.

Giới chuyên gia cho rằng, ứng dụng thông minh đang làm thay đổi ngành du lịch với nhiều tính năng tích hợp mới. Ngoài tính năng cơ bản cho phép người sử dụng tìm kiếm thông tin, đặt phòng khách sạn, vé máy bay, thì các ứng dụng còn có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo AI để đưa ra những trải nghiệm dành cho nhu cầu của từng cá nhân, như danh sách các điểm tham quan, nhà hàng hay trải nghiệm độc đáo dựa trên lịch sử hành trình trước đó. Xu hướng siêu ứng dụng với các tính năng tích hợp đã giúp cho nhà cung cấp dịch vụ có thể kết nối thành hệ sinh thái cung cấp một hành trình du lịch hiệu quả hơn.

Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đã thí điểm đón khách quốc tế tại một số địa phương và Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét mở rộng ra một số địa phương khác trong cả nước, thì việc ứng dụng công nghệ có vai trò quan trọng trong hỗ trợ đón khách quốc tế.

Theo ông Hoàng Quốc Hòa - Trung tâm thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch): Việc thí điểm đón khách quốc tế được đặt ra yêu cầu cao nhất là đảm bảo an toàn, ứng dụng tích hợp hệ thống chứng nhận tiêm chủng vắc xin Covid-19 được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu, đáp ứng quy định về an ninh, an toàn và bảo mật, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi và đến của khách quốc tế. Hệ thống được xây dựng trên cơ sở phối hợp liên ngành giữa du lịch, y tế, thông tin truyền thông, ngoại giao, xuất nhập cảnh… đảm bảo dữ liệu được xác thực, liên thông và đồng nhất; cung cấp quy trình thủ tục kiểm soát, xác thực, cập nhật hồ sơ y tế của khách quốc tế từ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, lúc nhập cảnh, trong quá trình khách đi lại, du lịch ở Việt Nam, cho đến khi khách xuất cảnh rời Việt Nam.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, năm 2022 và những năm tiếp theo chính là cơ hội để Việt Nam bứt phá bằng chuyển đổi số. Chuyển đổi số thực sự sẽ mở bước phát triển mới có tính cách mạng đối với ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Ông Hoàng Quốc Hòa - Trung tâm thông tin du lịch: Công nghệ đã thay đổi hành vi của một du khách từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ đến trải nghiệm tại điểm đến, chia sẻ cảm xúc sau chuyến đi. Việc ứng dụng công nghệ giúp du khách “làm chủ” hoàn toàn kỳ nghỉ của mình, đem lại những trải nghiệm thú vị, mới mẻ cho các tín đồ "xê dịch" trong thời đại số hóa.
Thanh Tâm

Chuyên trang kinh tế Việt Nam của Báo Công Thương

Cơ quan ngôn luận của Bộ Công Thương

Tổng biên tập: Nguyễn Văn Minh

Phó tổng biên tập: Nguyễn Tiến Cường

® Giấy phép hoạt động Chuyên trang của Báo điện tử số 18/GP-CBC do Cục Báo chí - Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 9/8/2023

Tòa soạn: Tầng 10-11, Tòa nhà Bộ Công Thương, số 655 Phạm Văn Đồng, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hotline: 0866.59.4498

Tel: 024.936.6400 - Fax: 024.936.6402

Email: [email protected]

Bản quyền thuộc về Báo Công Thương. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Đường dẫn bài viết: https://kinhte.congthuong.vn/cong-nghe-so-se-la-cuu-canh-cho-du-lich-nam-2022-185099.html