Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 01/01/2022. Với quy mô của một thị trường chiếm khoảng 30% dân số thế giới (hơn 2,2 tỷ dân) và khoảng 30% GDP toàn cầu, với sự tham gia của cả những nước đã phát triển ở trình độ rất cao và một số nước còn kém phát triển, RCEP được kỳ vọng sẽ góp phần tái cơ cấu, “định vị lại” chuỗi cung ứng trong khu vực, phát triển CNHT, giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài, trở thành điểm đến đáng tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam và phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
![]() |
RCEP có thể mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam |
Cơ hội và cũng là thách thức đầu tiên được chỉ ra, đó là: khi Hiệp định RCEP có hiệu lực sẽ tạo ra các ưu đãi thuế quan nhiều nhất cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và các thành viên khi được áp dụng quy tắc xuất xứ nội khối, nhưng với hơn 95% doanh nghiệp của Việt Nam nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ thì để hiểu và tận dụng được các ưu đãi này cũng không hề dễ dàng. Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội nhìn nhận, nhiều nhân viên tại DNVVN ngoại ngữ hạn chế, trong khi muốn XK sang thị trường thì thông tin đòi hỏi phải rất là cụ thể, từ thị hiếu của người tiêu dùng đến các thủ tục. Một điều quan trọng nữa mà DN đặt ra là đầu tư và đầu ra, họ sẵn sàng đầu tư nhưng chi phí phải bỏ ra, quy mô liệu có thể tăng đủ để XK hay làm thế nào để XK, có cơ hội để XK hay không? Không thể phủ nhận thời gian qua Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành hàng cũng tuyên truyền nhiều về các hiệp định, nhưng nhận thức về các FTA của nhiều DN vẫn còn rất hạn chế…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp định RCEP cũng mang lại sức ép cạnh tranh hàng hóa cho Việt Nam do nhiều đối tác trong RCEP có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn so với khả năng hiện tại của Việt Nam. Đặc biệt, Trung Quốc với lợi thế hàng hóa phong phú, giá rẻ cũng sẽ đặt ra những thách thức lớn đối với các mặt hàng nông, thủy sản của Việt Nam. Vì vậy, ngay cả khi mặt hàng nông, thủy sản là thế mạnh của ta nhưng cũng chính là thách thức cạnh tranh trong khu vực RCEP.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh: "Lợi ích của RCEP chủ yếu nằm ở câu chuyện hài hòa các quy tắc về xuất xứ và thuế quan. Vì vậy, để tận dụng được, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu để đáp ứng quy tắc xuất xứ cho tốt nhất. Thứ 2 là khả năng RCEP sẽ tạo ra cạnh tranh mạnh hơn, không chỉ ở thị trường trong nước mà cả trong thị trường RCEP".
Ví dụ như hiện nay, Trung Quốc và Nhật Bản chưa có FTA, nhưng với RCEP họ sẽ có thương mại tự do. Như vậy là cạnh tranh của chúng ta với thị trường Nhật Bản sẽ tăng lên mà trực tiếp là đối với đối thủ cạnh tranh là Trung Quốc. Áp lực về cạnh tranh sau RCEP có thể ở cả thị trường trong nước và cả các thị trường RCEP khác, cho nên là vẫn lại quay lại câu chuyện là DN phải tăng cường năng lực cạnh tranh của mình để có được các cơ hội tốt nhất...
Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chỉ ra những thách thức lớn hơn, thậm chí là “nguy cơ” gian lận xuất xứ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực, vừa qua Chính phủ, các bộ ngành và các hiệp hội cũng đã rất nhiều cảnh báo. Chính phủ cũng đã đưa ra Đề án 824 để nâng cao mức độ cảnh báo cũng như là xử lý các vi phạm về gian lận xuất xứ. Trong Hiệp định RCEP, chúng ta cũng thấy rằng những quốc gia - đặc biệt như Trung Quốc có nguồn cung nguyên liệu rất lớn, mà hiện nay thì nguy cơ chuyển tải bất hợp pháp, “đầu tư tráng men”, hay gia công đơn giản để lấy xuất xứ Việt Nam là một nguy cơ có thật. Khi Hiệp định RCEP có hiệu lực – với phạm vi rộng hơn – bên cạnh Trung Quốc có thêm một số quốc gia khác thì nguy cơ đó sẽ có thể gia tăng. Điều này cũng đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, các địa phương cho đến bản thân doanh nghiệp phải có ý thức cao hơn về vấn đề này để cùng nhau ngăn chặn, lên án những hành vi gian lận xuất xứ có thể gây tổn hại đến hoạt động XK cũng như tổn hại đến các mặt hàng của Việt Nam…
Theo các chuyên gia, việc tham gia vào bất kỳ Hiệp định thương mại tự do nào với những thành viên có trình độ kỹ thuật cao hơn cũng sẽ là thách thức lớn đối với các sản phẩm hàng hoá của Việt Nam, đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi mình, coi trọng đầu tư công nghệ, kỹ năng quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.