Đơn hàng dồn dập
Ngay sau kỳ nghỉ Tết, tất cả hơn 1.300 công nhân của Công ty CP May Sài Gòn 3 đã có mặt tại các phân xưởng của công ty, ráo riết chuẩn bị các đơn hàng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Trước Tết Nguyên đán, công ty này ký nhận nhiều đơn hàng xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ….
![]() |
Nhiều doanh nghiệp nhận đơn hàng dồn dập |
Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch HĐQT May Sài Gòn 3, do đặc thù của ngành may mặc là về mẫu mã. Hiện công ty đã có đủ đơn hàng đến hết quý 2/2022. Khả năng tăng trưởng dệt may năm 2022 sẽ ở mức trên 10% so với năm 2021, đạt mức từ 42-43 tỷ USD.
Tương tự, với doanh nghiệp xuất khẩu nông sản cũng đón nhận nhiều tín hiệu tích cực trong đầu năm mới. Ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu thủy sản Nghi Sơn -cho biết, tín hiệu thị trường năm 2022 rất tốt. Dự kiến cuối tháng 3/2022, chúng tôi sẽ nhận đơn hàng hết quý III/2022 và dựa vào tình hình cuối năm công ty sẽ nhận thêm đơn hàng tiếp theo.
“Năm 2022, với định hướng chúng tôi đã xúc tiến sớm việc mở rộng thị trường sang Mỹ. Dự báo, quý I, công ty sẽ đạt mức tăng trưởng 100% so với quý I năm 2021” - ông Nguyễn Văn Minh chia sẻ.
Ông Trần Việt Anh - Tổng Giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn cho hay, không chỉ riêng Nam Thái Sơn mà tất cả các công ty xuất khẩu nhựa, bao bì năm nay đơn hàng đều rất tốt, các đơn hàng hầu như đã ký đến hết tháng 8, tháng 9, tháng 10. Hiện đơn hàng công ty đã ký hết tháng 10/2022. Dự kiến hết tháng 3 sẽ có đủ đơn hàng cho cả năm. Hiện nay công ty đang phải từ chối nhiều đơn hàng vì quá tải.
Lo “bão giá” nguyên liệu đầu vào
Mặc dù đơn hàng nhiều là vậy, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn phập phồng lo lắng vì giá nguyên vật liệu, phí đầu vào liên tục leo thang theo giá xăng dầu. Ông Phạm Xuân Hồng cho biết, với 60% nguồn nguyên liệu sản xuất nói chung của các ngành đều phải nhập khẩu, nhưng giá nguyên liệu lại tăng mạnh từ 30-50%, cộng với chi phí logistics cũng tăng từ 5-7 lần so với trước đây sẽ khiến doanh nghiệp trong nước rất khó để không tăng giá thành sản phẩm bán ra.
“Hiện 60% nguyên liệu sản xuất ngành nhựa cũng từ nguồn nhập khẩu, chủ yếu từ khu vực Trung Đông và Châu Á. Với sự căng thẳng, leo thang của giá dầu đang dẫn đến nguy cơ đẩy giá nguyên liệu nhựa tăng mạnh. Với mặt bằng giá mới, năm 2022 doanh nghiệp sẽ rất khó để phục hồi và tăng tốc sản xuất”- ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho hay.
Không chỉ vậy, theo ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Công ty Thủy sản Nghi Sơn, giá xăng tăng còn tác động mạnh đến tâm lý của người lao động. “Chúng tôi có thể thấy ngay lập tức là tác động đến đời sống của hơn 500 công nhân nhà máy, họ đều phàn nàn, đều yêu cầu trợ cấp tiền xăng trên mỗi ki lô mét họ di chuyển, chi phí đều tăng. Họ bắt đầu ngồi nói chuyện với nhau về xăng dầu,… cũng 1 đoạn đường đó đối với người công nhân trong 30 ngày tăng thêm khoảng vài trăm nghìn đồng thì công nhân rất là lo lắng”- ông Minh chia sẻ.
Trong bối cảnh đó, TS Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học & Kinh tế ứng dụng TP. Hồ Chí Minh- cho rằng, các doanh nghiệp phải luôn chú ý tới bài toán quản trị để có thể tiết giảm thấp nhất các chi phí về năng lượng, tiêu hao nguyên vật liệu, chi phí về môi trường. “Có thể thấy những doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại, áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng xe tải đời mới thỉ nguyên liệu tiêu hao ít thì việc biến động giá nguyên liệu sẽ không có tác động nhiều. Trong khi những doanh nghiệp sử dụng hệ thống máy móc cũ, tiêu hao nguyên liệu nhiều mà giá nguyên liệu ở mức cao như hiện nay thì doanh nghiệp sẽ khó càng thêm khó. Do vậy, các doanh nghiệp sản xuất phải luôn chú ý tới điều này”- TS Đinh Thế Hiển nói.
Cũng theo TS Đinh Thế Hiển, nếu doanh nghiệp vận hành theo hình thức kiểu tăng thì tăng lên, giảm thì giảm xuống thì sẽ rất khó cạnh tranh. Và để doanh nghiệp cạnh tranh đổi mới được đòi hỏi trách nhiệm, tư duy của người lãnh đạo về chuyển đổi trong lâu dài.