Giá hải sản nhập khẩu tại nhiều quốc gia đang tăng
Tại Nhật Bản, theo hãng thông tấn The Japan Times, giá thủy sản nhập khẩu, từ cá hồi đến cua tại quốc gia này đã tăng mạnh so với hồi tháng 2 năm nay. Cụ thể, cá hồi Nauy là một loại nhân sushi phổ biến ở Nhật Bản, đặc biệt được giới trẻ ưa thích. Nhập khẩu cá hồi Nauy sang Nhật Bản đã giảm do các chuyến bay từ Châu Âu đến Nhật Bản ít đi. Thêm vào đó, chi phí đi lại bằng đường hàng không cũng đang tăng lên do các máy bay đi đường bay dài hơn để tránh không phận Nga. Theo đó, giá bán buôn cá hồi Nauy tại Toyosu (Tokyo) là 2.000-2.200 yên (1.915 rúp) một kg, cao hơn khoảng 30% so với tháng 2/2022. Bên cạnh đó, giá nhím biển từ Nga đã ở mức cao bởi việc nhập khẩu bị hạn chế, việc tăng giá sẽ là điều không thể tránh khỏi.
![]() |
Giá hải sản tăng khiến một bộ phận người tiêu dùng chuyển qua sử dụng thủy sản nuôi trồng và tạo cơ hội cho thủy sản xuất khẩu của Việt Nam |
Tại Thái Lan, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khiến giá nhiên liệu tăng cao, kéo theo chi phí đánh bắt tăng và các chủ tàu đã tăng giá bán cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh tại Bangkok. Hiện tại, giá cá ngừ vằn nguyên con đông lạnh tại Bangkok cỡ >1,8kg ở mức 1.750 USD/tấn, cao hơn 10% so với hồi đầu tháng 3. Vào thời điểm đó, nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung cá ngừ nguyên liệu tại Bangkok cũng tăng, thị trường ở mức cân bằng.
Về phía nguồn cung, có tin đồn rằng chủ tàu đang đối mặt với tình huống khó khăn, sản lượng đánh bắt thấp trong khi chi phí cho dầu diesel ngày càng tăng. Về đánh bắt, các chủ tàu đang mong đợi hiện tượng La Nina sẽ tiếp tục duy trì cho tới tháng 6, điều này sẽ ảnh hưởng tới sản lượng đánh bắt tại khu vực Đông Thái Bình Dương (EPO).
Trước việc tăng giá cá ngừ nguyên con, các nhà nhập khẩu nước này đang chuyển sang mua cá ngừ ngâm dầu đậu nành đóng hộp, nhưng sản phẩm này cũng đã tăng giá trong vài tuần qua. Nguyên nhân do chi phí nguyên phụ liệu sản xuất sản phẩm này là dầu đậu nành có giá đang ở mức 1.850 -2.200 USD/tấn. Trong khi vài tuần trước giá dầu này chỉ ở mức 1.100 USD/tấn. Điều này khiến cho việc sản xuất cá ngừ đóng hộp của Thái Lan trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là do giá thành của thép và thùng carton cũng tăng lên.
Còn tại Trung Quốc, theo tin từ SeafoodSource, giá thủy sản bán buôn ở Trung Quốc tháng 2/2022 tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa mức tăng 0,9% trong chỉ số giá tiêu dùng chung của nước này. Lý giải nguyên nhân giá thủy sản tăng, đại diện của Văn phòng nhập khẩu thủy sản Trung Quốc cho rằng, giá nguyên liệu thô tăng và khả năng nhập khẩu thắt chặt hơn là những nguyên nhân chính khiến giá tăng. Giá các loài thuỷ sản ở Trung Quốc đang tăng, đặc biệt là cá vược và mực, một phần do tác động của giá thức ăn và nhiên liệu tăng, và do cá rô phi thay thế cá tra nhập khẩu, vốn đang gặp khó khăn về nguồn cung do thắt chặt Covid-19. Vì thế, giá cá rô phi cũng đang tăng ở Trung Quốc, với nhu cầu mạnh mẽ từ cả thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Thậm chí, gần đây, các nhà máy Trung Quốc đã quảng cáo sản phẩm cá rán chế biến sẵn sử dụng cá rô phi.
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam có hưởng lợi?
Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc giá các mặt hàng hải sản thế giới tăng có thể tác động tích cực đến nhu cầu thủy sản nuôi trồng, điều này sẽ tạo cơ hội cho những sản phẩm của doanh nghiệp Việt.
Thực tế cho thấy, 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu thủy sản tiếp tục ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc tiếp nối sự bứt phá ngoạn mục trong những tháng cuối năm 2021. Ước tính của VASEP cho thấy, quý I/2022, tổng xuất khẩu thủy sản sản của cả nước đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và các doanh nghiệp trong ngành này đang có sự phục hồi tích cực với đơn hàng dày đặc.
“Trong 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của chúng tôi tăng 20% so với năm 2021, bên cạnh đó các thị trường xuất khẩu truyền thống được đảm bảo ổn định nên doanh nghiệp đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu”- ông Nguyễn Thành Vinh - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Kinh doanh thủy sản Sài Gòn cho biết.
Trong khi đó, Công ty TNHH Thủy sản Nghi Sơn đã nhận đơn hàng đến hết tháng 5/2022 và hiện giao không kịp cho khách hàng. Để kịp tiến độ đã ký với đốc tác, ngay đầu năm 2022, công ty đã vận hành thêm một nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh nhằm nâng công suất chế biến và đón đầu cơ hội sau dịch.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký VASEP nhận xét: Quý I/2022 xuất khẩu ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường đã phục hồi trở lại. Đặc biệt là ở các thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, Canada. Đây là tín hiệu đáng mừng cho xuất khẩu thủy sản trong năm 2022.
Theo ông Hòe, các doanh nghiệp vừa tham gia xong hội chợ thủy sản Boston ở thị trường Bắc Mỹ cũng cho thấy mức độ quan tâm, khả năng trở lại đặc biệt là các sản phẩm tôm, cá tra của Việt Nam. Trong thời gian tới sẽ có những dấu hiệu tăng lên, đảm bảo hy vọng cho một mức doanh số xuất khẩu cao hơn, tăng trưởng 10-12%so với năm 2021.
Nhìn về triển vọng thị trường trong thời gian tới, ông Trương Đình Hòe cho biết, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang góp phần làm cho việc thâm nhập thị trường của doanh nghiệp thủy sản được tốt hơn. Đặc biệt là tạo điều kiện để hàng hóa Việt Nam cạnh tranh được với các thị trường khác, giúp doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo cạnh tranh về chất lượng một cách công bằng giúp hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp ổn định hơn.
Tuy vậy, với các Hiệp định thế hệ mới, ngoài việc giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường dễ dàng hơn thông qua hệ thống ưu đãi về thuế quan thì doanh nghiệp còn phải tuân thủ các yếu tố về mặt xã hội, môi trường và các yếu tố đảm bảo bền vững. Đó cũng là những mục tiêu mà ngành thủy sản đang hướng đến.