Đó là nhận định của ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam - với báo chí về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và 2023.
![]() |
Sản xuất công nghiệp Việt Nam đã khởi đầu mạnh mẽ trong năm nay |
Ông có thể cho biết, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và những năm tiếp theo?
Nhận định của ADB về kinh tế Việt Nam tương đối sáng sủa và tích cực trong năm 2022 và năm 2023. Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh tương đối tốt trong năm 2021. Điều này thể hiện ở việc Việt Nam chuyển biến rất nhanh, từ chiến lược kiểm soát dịch bệnh theo hướng ngặt nghèo, hạn chế đi lại sang kiểm soát dịch bệnh linh hoạt hơn, cộng thêm độ phủ vaccine, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam có đà phục hồi ngay từ cuối năm 2021.
![]() |
Ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam |
Trong bối cảnh dịch bệnh được kiểm soát, hầu hết các động lực tăng trưởng của Việt Nam sẽ được phục hồi, từ công nghiệp chế biến, chế tạo cho đến dịch vụ, nông nghiệp. 3 động lực tăng trưởng đó sẽ được phục hồi mạnh mẽ. Ngoài ra, nhu cầu nội địa cũng sẽ dần tăng trưởng trong những quý tiếp theo của năm 2022. Thương mại và đầu tư nước ngoài cũng sẽ có tăng trưởng tích cực trong năm 2022, 2023. Ngoài ra, Gói phục hồi và phát triển kinh tế vừa được Quốc hội thông qua, sẽ hỗ trợ phục hồi sản xuất, nhu cầu nội địa. Tất cả yếu tố đó làm cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam rất tích cực trong năm 2022. ADB đánh giá GDP Việt Nam sẽ phục hồi với mức 6,5% trong năm 2022 và 6,7% năm 2023.
Ông đánh giá như nào về Gói phục hồi và phát triển kinh tế của Việt Nam?
Gói hỗ trợ kinh tế của Việt Nam tương đối toàn diện, chẳng hạn như đối với biện pháp cắt giảm thuế VAT sẽ tác động đến hầu hết các ngành, lĩnh vực, cũng như các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bổ sung đầu tư công cũng sẽ hỗ trợ cho việc tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng trung và dài hạn, cũng như tạo điều kiện cho phát triển ngành công nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng có tính lan tỏa sang lĩnh vực khác.
Đối với tất cả hạng mục của đầu tư công, nếu như được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả thì sẽ có tác động tốt đối với sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra liệu Việt Nam có thể thúc đẩy, thực hiện nhanh Gói hỗ trợ kinh tế, phục hồi kinh tế trong 2 năm tới hay không? Bởi giải ngân vốn đầu tư công là hạng mục lớn nhất trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế và từ trước tới nay, giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều khó khăn, trở ngại kể cả trước Covid-19.
Vậy ông có khuyến nghị gì cho Việt Nam về vấn đề này?
Đối với giải ngân vốn đầu tư công, đã có nhiều khuyến nghị nhưng tập trung chủ yếu là đơn giản hóa các thủ tục. Bởi các thủ tục giải ngân đầu tư công trong đó vốn ODA mặc dù cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn có trở ngại nhất định. Ngoài ra, tinh thần trách nhiệm của từng địa phương, bộ, ngành trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công cũng phải tăng cường thêm.
Thách thức của Việt Nam trong thời gian tới là gì, đặc biệt bối cảnh thế giới có nhiều biến động?
Có thể nói, xung đột giữa Nga và Ukcraine tính bất ổn đối với nền kinh tế toàn cầu cao hơn so với cuộc chiến tranh Iraq. Đối với Việt Nam, tác động song phương thông qua thương mại giữa Việt Nam và Ukcraine rất nhỏ, nhưng kênh tác động lớn nhất là thông qua kênh kinh tế thế giới. Bởi hầu hết nền kinh tế lớn, đặc biệt là châu Âu, dự đoán kéo lùi tăng trưởng và nhu cầu về thương mại, điều này sẽ tác động trực tiếp đến Việt Nam.
Kênh tác động thứ 2 đó là thông qua biến động giá cả toàn cầu và đặc biệt là giá dầu. Điều này sẽ tác động mạnh đến lạm phát.
Tuy nhiên vẫn có những cơ hội đối với Việt Nam. Đó là biến động thị trường đặc biệt thị trường hàng hóa, như nông sản. Những biến động đó tạo ra cơ hội cho Việt Nam. Mặc dù vậy, nhìn tổng thể là những bất ổn đó sẽ lớn hơn cơ hội.
Vì vậy, sự phục hồi sẽ phụ thuộc vào việc Chính phủ triển khai khai nhanh chóng và hiệu quả chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng.
Trước những thách thức đó, theo ông, đâu là những tiềm năng thương mại của Việt Nam thời gian sắp tới?
Tiềm năng thương mại của Việt Nam phải kể đến là các FTA, điều này sẽ mở rộng thương mại, nhất là xuất khẩu. Các FTA của Việt Nam dàn trải tương đối rộng, với nhiều đối tác, nên nó hỗ trợ cho Việt Nam đa dạng hóa xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng tương đối đa dạng, từ đó sẽ giúp cho Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu theo hướng tương đối bền vững.
Khi Việt Nam tăng trưởng và phát triển dần trên chuỗi thang giá trị, mang hàm lượng công nghệ cao hơn, sẽ hỗ trợ xuất khẩu của Việt Nam tăng về mặt giá trị.
Xin cám ơn ông!
ADB dự báo hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục tăng mạnh trong năm nay. Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1, dự kiến sẽ thúc đẩy thương mại và phục hồi kinh tế sau khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, bằng cách tạo ra các thị trường xuất khẩu ổn định và lâu dài cho Việt Nam và tạo nền tảng mang tính ràng buộc pháp lý để mở rộng thương mại. Dự báo xuất khẩu hàng hóa sẽ tăng 8% –10% trong năm nay. Nhập khẩu sẽ tăng do nhu cầu về tư liệu sản xuất và đầu vào cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng lên, và tiêu dùng trong nước phục hồi trở lại. |