Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - đánh giá: Mặc dù năm 2021 xuất khẩu thủy sản sang Anh giảm 8,3% so với năm 2020 (năm 2020 đạt 344,6 triệu USD), do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tuy nhiên Anh vẫn nằm trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn của thủy sản Việt Nam.
Cụ thể, nếu tính về thị trường đơn lẻ thì Anh là thị trường lớn thứ 5 của thủy sản Việt Nam trong năm 2021. Vì vậy, việc hiệp định UKVFTA có hiệu lực kể từ 1/5/2021 đã tạo ra nhiều lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) thuỷ sản của Việt Nam. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu sang Anh đã đạt gần 44 triệu USD, tăng mạnh 37% so với cùng kỳ 2021, trong đó xuất khẩu tôm sú sang thị trường Anh tăng đột phá, gấp 6 lần so với cùng kỳ năm 2021.
![]() |
Xuất khẩu thủy sản đang từng bước khai thác tốt lợi thế mà UKVFTA mang lại |
Phân tích cụ thể, ông Hòe chỉ ra: Nhu cầu tiêu thụ của thị trường Anh rất lớn, thậm chí lớn hơn các thị trường đơn lẻ trong khối EU. Quan trọng hơn, UKVFTA miễn thuế nhập khẩu vào Anh đối với hầu hết các sản phẩm có xuất xứ Việt Nam ngay lập tức hoặc theo lộ trình giảm thuế khá nhanh (1 năm, 3 năm, 5 năm, 7 năm, 8 năm). Chính vì thế, ngay khi có hiệu lực, UKVFTA đã tạo lập lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản Việt Nam so với các đối thủ thương mại khác như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Brazil,… do họ chưa kịp có hiệp định thương mại tự do với Anh.
Các thống kê của VASEP cho thấy, trong năm 2020, khi chưa có hiệp định UKVFTA, xuất khẩu thủy sản sang Anh mặc dù có tăng trưởng tốt nhưng lại tăng giảm thất thường, còn từ sau khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu sang Anh tương đối ổn định hơn. Nhóm mặt hàng chính xuất khẩu vào thị trường Anh gồm các sản phẩm từ tôm chiếm xấp xỉ 68%, các sản phẩm từ cá tra chiếm gần 15%, cá ngừ chiếm gần 2% và các sản phẩm khác.
“Dù lợi thế mà UKVFTA đem lại cho thủy sản rất lớn song trong năm 2021 vừa qua dịch bệnh bùng phát trên toàn cầu, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang thị trường này. Do đó chưa thể đánh giá hết những tiềm năng mà UKVFTA mang lại”- ông Hòe nhận định.
Thống kê từ VASEP cho biết, hiện có 47 doanh nghiệp Việt xuất khẩu thủy sản sang thị trường Anh tuy nhiên top 3 doanh nghiệp gồm Công ty CP thủy sản Thông Thuận - Cam Ranh, Công ty CP Chế biến Thủy sản Tài Kim Anh, Công ty CP Vĩnh Hoàn đang chiếm gần 30% doanh số xuất khẩu sang Anh. Theo ông Hòe, hiện nay các doanh nghiệp cũng đã hiểu hết những cơ hội mà hiệp định mang lại, đồng thời xây dựng các chiến lược phát triển nhằm thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Anh bởi đây là thị trường có dư địa lớn, có thể thay thế khi các thị trường xuất khẩu khác đang bắt đầu bão hòa.
Trong giai đoạn tới, để khai thác tốt Hiệp định UKVFTA, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp ngoài việc quan tâm đến vấn đề chất lượng, giá cả cần phải tâm trung đầu tư nhiều hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, và các trách nhiệm xã hội khác… Điều này xuất phát từ việc UKVFTA cũng giống như các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác nên được xây dựng theo hướng phát triển toàn diện và bền vững.
Thêm vào đó, hiện nay Anh cũng đang xúc tiến việc ký kết hiệp định thương mại tự do với các đối tác trên thế giới, trong đó có các quốc gia ASEAN, các quốc gia sản xuất thủy sản. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần tận dụng cơ hội từ UKVFTA, tranh thủ thời gian xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt, lâu dài với các đối tác tại thị trường Anh (cụ thể là Tesco, Sainburry, Whole Foods, Waitrosse, Mark & Spencers, Liddle, Cosco, ….).