Nằm trong Top 3 bộ có tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cao nhất
Theo Bộ Thông tin & Truyền thông, số liệu thống kê DVCTT tính từ ngày 1/1 đến ngày 30/4/2022 cho thấy, Bộ Công Thương nằm trong Top 3 bộ, ngành có tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến cao nhất, cùng với 2 bộ khác là Nội vụ và Y tế.
![]() |
Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những bộ đi đầu trong kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cơ chế một cửa quốc gia |
Về cách thức triển khai, tháng 6/2021, Bộ Công Thương đã có quyết định phê duyệt Danh mục DVCTT của Bộ. Từ tháng 8/2021 cho đến nay, Cổng dịch vụ công của Bộ tại địa chỉ dichvucong.moit.gov.vn đã cung cấp 228 DVCTT mức 4, hoàn thành sớm mục tiêu cung cấp 100% DVCTT mức 4 trong năm 2021, tăng số lượng dịch vụ gấp gần 4 lần so với năm 2020.
Bộ Công Thương cũng đã tích hợp 131 DVCTT lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong năm 2021, Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương đã trao đổi 1.164.552 bộ hồ sơ điện tử với Cổng dịch vụ công quốc gia. “Cùng với đó, đã có hơn 40.000 DN tham gia khai báo trên Cổng dịch vụ công Bộ Công Thương. Tổng số hồ sơ điện tử năm 2021 là 1.617.249 hồ sơ, tương ứng hơn 99% tổng số hồ sơ được gửi đến Bộ”- Thống kê của Bộ Thông tin & Truyền thông nêu rõ.
Đáng chú ý, với việc khai báo hóa chất qua Cổng thông tin một cửa quốc gia, Bộ Công Thương đã lần lượt rút ngắn thời gian cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất từ 7 ngày xuống còn 5 ngày. Cụ thể, khai báo hóa chất chỉ sau khi tổ chức, cá nhân hoàn thành điền các thông tin yêu cầu, sau khoảng 15 giây là đã nhận được kết quả phản hồi tự động của hệ thống, góp phần giảm chi phí in ấn, hồ sơ, xóa bỏ khoảng 70.000 bộ hồ sơ giấy/năm.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã triển khai đánh giá chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) trên Cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương. Kết quả, 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn hoặc trước hạn; 100% người dân, DN đánh giá chất lượng giải quyết TTHC của Bộ Công Thương là rất tốt.
Tạo thuận lợi tối đa cho DN và người dân
Mới đây nhất, Bộ Công Thương đã có Quyết định ban hành Chương trình Chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025 nhằm đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển Chính phủ điện tử tại các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trên cơ sở cải cách hành chính, lấy người dân và DN làm trung tâm.
Chương trình cũng đặt mục tiêu hoàn thiện Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp Bộ, đảm bảo 100% các TTHC trên Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được kết nối, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ Công quốc gia, cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký DN và cơ sở dữ liệu quốc gia khác có liên quan.
Ngoài ra, ngành Công Thương cũng phấn đấu 100% DVCTT cấp độ 3,4 phổ biến, liên quan đến nhiều người dân, DN được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ được xác thực điện tử; 100% DVCTT thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu được tích hợp lên cơ chế một cửa Quốc gia.
Bên cạnh đó, hoàn thành việc kết nối Hệ thống thông tin tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của người dân, DVCTT của Bộ Công Thương với Hệ thống của Chính phủ, đảm bảo tiếp nhận 100% thông tin phản ánh của người dân và chuyển cho các đơn vị liên quan giải quyết. Công bố 100% thông tin phản hồi đảm bảo người dân, doanh nghiệp tiếp cận được thông tin một cách chính xác và kịp thời...
Để thực hiện các nhiệm vụ kể trên, Bộ Công Thương cũng đưa ra lộ trình thực hiện với từng nhiệm vụ cụ thể, gồm hoàn thiện môi trường pháp lý, phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển các hệ thống nền tảng, phát triển dữ liệu, phát triển các ứng dụng dịch vụ, bảo đảm an toàn thông tin và phát triển nguồn nhân lực. Đi kèm với từng nhiệm vụ là những giải pháp cụ thể trong đó có việc nâng cao nhận thức, kỹ năng số, tăng cường tương tác với người dân, DN. Đồng thơi ứng dụng các nền tảng đào tạo kỹ năng số cho người dân; phát triển mô hình kết hợp giữa các cơ quan Nhà nước, DN, tăng cường hợp tác quốc tế...