Chất lượng vượt trội, cơ hội vào Trung Đông
Năm 2022, vải thiều Việt Nam được mùa, sản lượng khoảng 320.000 tấn. Riêng tỉnh Bắc Giang, sản lượng vải thiều ước đạt 180.000 tấn.
![]() |
Tính hết ngày 15/6, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ hơn 28,4 nghìn tấn vải thiều với giá cao |
Hiện, vải thiều Bắc Giang đang được bảo hộ tại 8 quốc gia gồm: Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia; đồng thời, là sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại thị trường Nhật Bản.
Điều này cho thấy, vải thiều Bắc Giang đã và đang từng bước khẳng định chất lượng vượt trội để vươn tầm thế giới. "Để làm được việc đó, tỉnh Bắc Giang luôn cùng người dân trồng vải đồng lòng, thống nhất trong xây dựng chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ", ông Phan Thế Tuấn chia sẻ.
Tại diễn đàn, quả vải thiều tươi và các sản phẩm từ vải thiều của Bắc Giang đã được giới thiệu, trưng bày. Sau khi tham quan, nếm thử trái vải, ông Hamid Mosadeghi - Bí thư thứ nhất phụ trách kinh tế và lãnh sự, Đại sứ quán Iran - bày tỏ: "Đã từng biết đến trái vải nhưng tôi không nghĩ vải thiều Bắc Giang lại thơm ngon đến như vậy. Sau dịp này, tôi sẽ cùng bạn bè sắp xếp một ngày đến Bắc Giang để thăm vùng vải thiều".
Đại diện đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam cũng đánh giá cao trái vải của Việt Nam nói chung, Bắc Giang nói riêng; đồng thời gợi mở một số giải pháp đưa vải thiều xuất khẩu sang thị trường châu Âu, khu vực Trung Đông...
Với chất lượng thơm, ngon vượt trội, vải thiều Bắc Giang đã được thu hoạch, tiêu thụ mạnh. Sản lượng tiêu thụ trong nước chiếm khoảng 60%; xuất khẩu chiếm khoảng 40%, chủ yếu xuất khẩu vào các thị trường Nhật Bản, Hoa Kỳ, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia...
Năm nay thời tiết thuận lợi, rét kéo dài, mưa đều nên vải thiều sinh trưởng và phát triển tốt. Với việc kiểm soát chặt chẽ các mã vùng trồng cùng với kỹ thuật canh tác của người dân ngày càng nâng lên, chất lượng vải thiều năm nay cao hơn năm trước. "Có thể khẳng định chất lượng vải thiều Bắc Giang năm 2022 cao nhất từ trước đến nay", lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cho biết.
Thị trường tiêu thụ đảm bảo
Những ngày này, tại các địa phương trong tỉnh Bắc Giang, hoạt động thu mua vải thiều khá sôi động. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã tiến hành khảo sát, liên kết tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu. Hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều diễn ra khá thuận lợi, vải được thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó, với giá thành cao.
Theo Sở Công Thương Bắc Giang, tính hết ngày 15/6, toàn tỉnh đã tiêu thụ hơn 28,4 nghìn tấn vải thiều với giá cao. Giá bán dao động từ 17 - 35 nghìn đồng/kg. Cá biệt, Hợp tác xã thu mua nông sản Bằng Thuỷ (Lục Ngạn) thu mua vải sớm tại thôn Áp, xã Tân Quang (Lục Ngạn) với giá từ 32 - 40 nghìn đồng/kg.
Riêng tại huyện Lục Ngạn - thủ phủ vải thiều của Bắc Giang có khoảng 16.000ha vải thiều, trong đó hơn 12.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, ngày 15/6, giá vải thiều tại huyện này dao động từ 20 - 32 nghìn đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với cùng thời điểm năm ngoái. Hiện mỗi ngày có 50 chuyến xe vải thiều Bắc Giang được thông quan sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Ông La Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn - cho biết, xác định việc tiêu thụ vải thiều sang Trung Quốc năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn nên ngay từ sớm, cơ quan chức năng của tỉnh, huyện đã xây dựng nhiều phương án tiêu thụ, đa dạng các thị trường để hạn chế rủi ro.
Huyện đã chỉ đạo quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, bảo đảm sản phẩm chất lượng cung ứng đến nông dân, xử lý nghiêm trường hợp kinh doanh sản phẩm kém chất lượng.
Hiện, sản phẩm vải chín sớm của Lục Ngạn được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường nội địa khoảng 2.067 tấn (các tỉnh phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc); xuất khẩu khoảng 1.795 tấn (chủ yếu sang thị trường Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lạng Sơn). Có 2 lò sấy vải (công nghệ sấy điện) đã hoạt động, sản lượng sấy đạt 9,5 tấn vải khô thành phẩm.
Về vấn đề xuất khẩu, toàn huyện có 35 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận với diện tích 11.423ha và 237 cơ sở đóng gói; 30 mã vùng được Nhật Bản chấp nhận cấp mã số vùng trồng với diện tích 224,5ha và 1 cơ sở đóng gói (trong đó, đối với sản phẩm vải thiều xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc trên bao bì nhất thiết phải dùng tiếng Trung Quốc ghi rõ tên hoa quả, nơi sản xuất, đóng gói, tên nhà vườn hoặc mã số đăng ký đã được Trung Quốc cấp theo quy định...).
Huyện Lục Ngạn hiện vẫn tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm yêu cầu, tiêu chuẩn về quy cách thu hoạch, sơ chế, đóng gói sản phẩm vải thiều trước khi bán (xử lý sạch lá, cắt cuống, loại bỏ quả không đạt chất lượng, bó túm đúng trọng lượng…).
Để nâng cao giá trị quả vải, huyện Lục Ngạn cũng có biện pháp hỗ trợ người dân thu hoạch, chế biến sản phẩm; tiếp tục dự phòng phương án hỗ trợ nhân dân tăng sản lượng, công suất sấy vải thiều; rà soát, bố trí điểm tập kết, trung chuyển, thu mua vải thiều ngay tại vườn và khu vực thôn, xã để giảm tài giao thông cho các tuyến đường chính. |