Sản xuất nhiều ngành được khôi phục
Lãnh đạo Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh nhận định, với các giải pháp đồng bộ hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh nên công nghiệp 6 tháng đầu năm nay của tỉnh có sự tăng trưởng mạnh mẽ, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 19,75% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm gần đây (2018-2022).
![]() |
Điện tử là ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bắc Ninh |
Việc sản xuất công nghiệp có nhiều khởi sắc cũng cho thấy hiệu quả của các Nghị quyết và giải pháp đồng bộ được tỉnh Bắc Ninh thực hiện đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất công nghiệp.
Điểm nhấn đáng chú ý, sản lượng sản xuất ở nhiều ngành công nghiệp được khôi phục, đặc biệt ngành chủ lực sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng cao (+22,23%), do số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản xuất công nghiệp.
Báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, có 14/24 sản phẩm (tương đương 58,3%) số sản phẩm đạt được mức tăng, trong đó có 5/7 sản phẩm chủ lực của tỉnh đạt được mức tăng; 4 sản phẩm đạt được mức tăng rất cao so với cùng kỳ như: Máy in; màn hình điện thoại; đồng hồ thông minh; linh kiện điện tử.
Nguyên nhân được giới chuyên gia phân tích, do việc tăng cường kết nối thị trường và đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa nên nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu và sản phẩm chủ lực vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao so với cùng kỳ.
“Tuy nhiên, ở một số ngành sản xuất do nguyên vật liệu khan hiếm, giá trị tăng cao đã kìm hãm sự gia tăng sản lượng sản xuất. Mặt khác ở một số ngành lao động chưa hoàn toàn trở lại làm việc cũng tác động đến hoạt động khôi phục sản xuất kinh doanh”, đại diện Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh thừa nhận.
Tổng vốn đăng ký bổ sung giảm
Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, nhưng tổng số vốn đăng ký bổ sung trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh 6 tháng đầu năm nay lại giảm.
Số liệu thống kê cho thấy, tính chung 6 tháng, toàn tỉnh Bắc Ninh có 1.306 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn đăng ký 10.483 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước thì tăng 2,9% về số doanh nghiệp nhưng lại giảm 18% về tổng vốn đăng ký bổ sung. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 8 tỷ đồng, giảm 20,3% so với cùng kỳ năm trước.
Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường vẫn tăng khá cao, cụ thể: Có 917 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động (+36,9%); 153 doanh nghiệp giải thể tự nguyện (+40,4%). Ngoài ra, có 152 doanh nghiệp chuyển đổi loại hình (+7,8%).
Nhận định của giới chuyên gia, tình hình chính trị trên thế giới vẫn nhiều bất ổn; tình hình kinh tế trong nước và trong tỉnh cũng chịu ảnh hưởng của những xung đột trên thế giới khiến giá xăng dầu và nhiều loại hàng hóa leo thang… Đây là những yếu tố tác động làm ảnh hưởng đến tình hình đăng ký doanh nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh cũng có 554 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 25,1%. Việc số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng so với cùng kỳ năm trước và cao hơn gấp 1,74 lần so với số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường được nhận định là tín hiệu tốt, điều đó cho thấy xu hướng phục hồi sản xuất kinh doanh có tín hiệu tốt.
Về xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp thời gian tới, Cục Thống kê Bắc Ninh nhận định, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2022 cho thấy xu hướng kinh doanh tốt lên tăng cao hơn quý I/2022. Dự kiến quý III/2022, có 52,05% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2022; 32,16% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định; số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống còn 15,79%.
Khu vực doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh lạc quan nhất với 57,14% số doanh nghiệp dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý III/2022 tốt hơn; tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh là 55%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chỉ có 48,81%. |